Lợi ích mơ hồ

Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương có ít tiềm năng về khai thác các dự án thủy điện. Vậy nên, dù có đến 26 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt nhưng tổng công suất lắp máy chỉ đạt 438 MW. Có lẽ nhận thấy những “bất cập” sau phê duyệt và việc chủ đầu tư không mặn mà vì công suất quá nhỏ nên đến nay, đã và đang có 14 dự án thủy điện bị loại hoặc đề nghị loại khỏi quy hoạch.

Tuy nhiên, dù chỉ còn chưa đầy phân nửa số dự án, nhưng vẫn còn những dự án có nguy cơ tác hại lớn đến diện tích rừng, môi trường và nhất là hệ lụy về lũ chồng lũ nếu tiến hành xây dựng. Một trong những dự án đó là thủy điện Sơn Trà 1 ở huyện Sơn Tây, Sơn Hà, do Công ty CP 30-4 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6-2010 và được điều chỉnh vào tháng 6-2012, vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Là bởi, nếu triển khai xây dựng, ngoài việc làm mất đi nhiều rừng phòng hộ, ảnh hưởng lớn hệ sinh thái, môi trường thì hàng ngàn hộ dân của 10/14 xã nằm ở hạ lưu sông Xà Lò có thể chịu rất nhiều hệ lụy.

Qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa qua tại huyện Sơn Hà, với 100% số cử tri nêu ý kiến không tán thành xây dựng dự án thủy điện Sơn Trà 1 và một số dự án khác trên địa bàn huyện vì theo họ, lâu nay chưa có dự án thủy điện thì người dân của huyện Sơn Hà đã khốn khổ vì ngập nước vào mùa mưa lũ. Nếu cho xây thêm thì hậu quả khó lường.

Ngay như Bí thư Huyện ủy huyện này đã từng đem hết ruột gan của mình ra để kiến nghị tỉnh cho dừng xây dựng các nhà máy thủy điện vì đe dọa đến 71.000 dân. Ông dẫn chứng một thực tế vẫn tồn tại lâu nay là những hộ dân trong vùng dự án thủy điện lại gần như không được hưởng lợi từ dự án. Trong khi chủ đầu tư hàng năm thu lợi hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng từ việc khai thác thủy điện thì ngược lại, người dân gần như trắng tay và cuộc sống thì lâm vào khốn khó. Và nếu lỡ có sự cố xảy ra (vỡ đập, sập hầm, xả lũ…) thì chính người dân lại là đối tượng “chịu đòn” đầu tiên và nặng nề nhất.

Thấu hiểu những thiệt thòi của người dân, nguy cơ đe dọa tính mạng đối với họ, ông đã nhiều lần kiến nghị tỉnh không cho xây các dự án thủy điện trên địa bàn huyện. Hậu quả, những ý kiến của ông bị cho “trôi” theo suối, bản thân ông bị tỉnh “cảnh cáo” vì dám có nhiều ý kiến trái ngược. Bây giờ, mỗi lần nói về thủy điện, ông gạt đi và tặc lưỡi: “mình làm được đến thế thôi, cũng vì dân cả, không được lắng nghe âu cũng là cái số!”. Đem những ý kiến của ông xuống dân, và lấy dẫn chứng những vụ vỡ đập, sập hầm thủy điện, họ bảo: “Lợi ích đâu chưa thấy, nhưng đã thấy rõ sự bất an”.

Ông Đinh Văn Sum, ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) nói rằng, cán bộ hiểu dự án thủy điện chứ dân chúng tôi thì không biết. Chỉ biết nếu lũ tràn về là thiệt hại nặng nề. Và nếu lỡ có vỡ đập thì chỉ có nước chạy lên núi, nếu chạy không kịp thì chờ chết thôi.

Chính quyền lo lắng, dân bất an. Vậy nhưng, giám đốc Sở Công thương tỉnh này vẫn một mực cho rằng dự án là khả thi, hiệu quả. Không những vậy, sở này còn cho biết chủ đầu tư đã chi 27 tỷ đồng vào dự án, trong đó 10 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội? Bên cạnh đề nghị bác ý kiến của huyện Sơn Hà, bỏ qua những hệ lụy an nguy của gần 3.000ha rừng nguyên sinh, của 71.000 hộ dân, vị lãnh đạo này cho rằng, dự án đã được xem xét một cách khoa học, vì vậy, muốn phản đối cũng phải có cơ sở khoa học. Lẽ dĩ nhiên, dự án nào cũng phải dựa trên những tính toán khoa học.

Vậy nhưng, bài học nhãn tiền từ những sự cố như động đất thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam), sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng), vỡ đập thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai), Đắk Rông 3 (Quảng Trị)… có nằm trong những tính toán khoa học?

Chúng tôi cho rằng, dù có đi đến tận cùng những lý giải và minh chứng thuyết phục của khoa học thì cũng không bao giờ “bắt mạch” được “nhịp đập” của tự nhiên. Vì vậy, những lo lắng của chính quyền và nhân dân huyện Sơn Hà là có cơ sở.

MINH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục