Ngày nào cũng vậy, khúc sông Mương, thôn Tân Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cũng chứng kiến những đứa trẻ lội sông đi học; còn nông dân vác cuốc, khiêng lúa lội sông đến đồng ruộng.
Cõng con qua sông đến trường
Gần chục năm qua, người dân thôn Tân Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam mong ngóng một cây cầu bắc qua sông Mương để người dân đi làm đồng, con cái trong làng đi học được an toàn. Ở sông Mương này, từ sáng sớm đến chiều tối, người dân vẫn phải lội sông để qua bên kia bãi đồng Vẹt canh tác. Mùa nước lớn, họ “giao” số phận mình cho những tấm phao xốp để chèo qua sông.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Trưởng thôn Tân Lộc, cho biết, toàn thôn có hơn 110 hộ với hơn 300 nhân khẩu. Thôn bị chia cắt bởi sông Mương, phía bên kia sông có gần 30 hộ, những đứa trẻ ở độ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học có trên 20 em và hàng ngày phải nhờ cha mẹ cõng qua sông để đến trường.
Ở vùng này, chỉ cần lội qua sông là đến bãi đồng Vẹt, nơi người dân trồng lúa với diện tích 45ha. Ông Dũng kể: “Vào mùa thu hoạch, người dân phải cõng lúa qua sông hoặc chèo phao xốp đưa dụng cụ sang cấy sạ lúa. Con sông này đã chứng kiến nhiều lần lúa đổ xuống sông nhưng không sao cứu được”.
Sông Mương rộng khoảng 30m và mùa nước lên có thể dâng cao đến mép những hồ tôm. Ông Dũng nói, tầm 9 giờ sáng nước còn cạn, lội qua chỉ tới đầu gối; đến khoảng 12 giờ trưa, thủy triều lên cao, có khi đến 1,5m. Người dân ở trong vùng đều tự làm một chiếc xuồng phao để qua sông. Tội nhất là những đứa trẻ đến trường, đứa lớn vừa đi vừa vắt quần lên cổ, kẹp chặt cặp sách; đứa nhỏ ôm cổ cha mẹ dò dẫm qua sông, sang đến bờ mới chỉnh lại trang phục để vào lớp. Em Phan Thanh May, lớp 10, Trường THPT Duy Tân, tâm sự: “Những lúc lội sông phải đi thật chậm, rướn người lên cao để không ướt đồ. Nhiều bạn đi xe đạp đến trường phải nhờ người khiêng xe trên vai giúp qua sông”.
Đời sống của người dân thôn Tân Lộc còn rất khó khăn, còn 22 hộ thuộc diện nghèo, việc đồng áng qua sông nguy hiểm. Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết: Để qua bên kia sông, nếu đi đường vòng phải cuốc bộ 2km; còn đến trường hoặc chợ phải xa hơn. Để phát triển kinh tế trước hết phải phát triển hạ tầng giao thông, nên xã đang tìm nguồn kinh phí để làm một cây cầu bài bản cho dân.
PHÚ NHIÊU