Tăng huyết áp là triệu chứng của nhiều bệnh, nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là một bệnh, bệnh tăng huyết áp, nếu không tìm thấy nguyên nhân. Tăng huyết áp ở người lớn được định nghĩa khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg hay huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm khác như bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, đái tháo đường...
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người tử vong liên quan tăng huyết áp tại khu vực Đông Nam Á. Trên toàn cầu có gần 1 tỷ người mắc.
Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. Nghĩa là cứ 4 người trưởng thành, có 1 người bị tăng huyết áp.
Là một bệnh nguy hiểm, nhưng tăng huyết áp lại diễn tiến âm thầm, ít có dấu hiệu cảnh báo. Đa số bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện bệnh. Các triệu chứng khác có thể gặp là đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt... Nhiều khi, bệnh nhân chỉ đuợc phát hiện khi có biến chứng nặng như xuất huyết não, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, tăng huyết áp đuợc xem là “kẻ giết người thầm lặng”.
Những ai có nguy cơ dễ mắc bệnh tăng huyết áp?
Ngoài tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh (chiếm khoảng 10%) như bệnh thận, thượng thận, nội tiết, ảnh hưởng của thuốc, nhiễm độc thai nghén... còn lại 90% là tăng huyết áp nguyên phát với một số yếu tố được xem là có liên quan:
- Yếu tố di truyền, bệnh tăng huyết áp có tính gia đình.
- Tuổi và giới: Người cao tuổi, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn.
- Yếu tố dinh dưỡng, ăn nhiều muối, nhiều mỡ, thừa cân béo phì, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá...
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động.
- Yếu tố tâm lý xã hội, có tình trạng căng thẳng tinh thần thường xuyên...
Đo huyết áp - cách phát hiện bệnh
Là biện pháp khá đơn giản, chẩn đoán chính xác, tuy nhiên đa số người bệnh thường không biết mình bị tăng huyết áp từ lúc nào. Và số nguời không biết mình bị tăng huyết áp vẫn còn khá lớn trong cộng đồng. Kiểm tra huyết áp định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm.
Thường xuyên tập thể dục thể thao giúp phòng bệnh tăng huyết áp. Ảnh minh họa
Có thể phòng bệnh tăng huyết áp?
Bằng cách lưu ý vấn đề sinh hoạt hàng ngày, nhất là các thói quen có hại cho sức khỏe, phải khám định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hay các bệnh liên quan, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao. Để phòng tránh tăng huyết áp, cần có lối sống lành mạnh.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao, tăng hoạt động cơ bắp làm chậm tiến trình lão hóa.
- Dinh dưỡng hợp lý, ăn đa dạng thực phẩm, duy trì cân nặng lý tưởng, không để thừa cân béo phì. Không ăn mặn, giới hạn lượng muối hàng ngày không quá 5g/người, không ăn nhiều thịt hộp, cá hộp, cá kho mặn, lạp xưởng... Hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật. Tăng cường rau xanh, trái cây trong khẩu phần...
- Hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá.
- Sinh hoạt điều độ, đảm bảo giấc ngủ hợp lý.
- Môi trường sống lành mạnh, ít tiếng ồn, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
Điều trị tăng huyết áp cần kiên nhẫn Một nghịch lý và cũng là nguyên nhân khiến bệnh tăng huyết áp trở nên nguy hiểm hơn là bệnh có thể điều trị được nhưng số người bệnh được điều trị đầy đủ lại không nhiều. Một số người không được điều trị, một số điều trị không đúng, không khống chế huyết áp trong giới hạn cho phép theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Phần lớn người bệnh khi thấy huyết áp về bình thường hoặc gần bình thường là vội vàng ngừng thuốc mà không theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Cần tuân thủ điều trị trong mọi trường hợp, cho dù trị số huyết áp đã về bình thường. |
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
PCT HĐQT Công ty NutiFood