
Những năm qua, sản phẩm săm (ruột), lốp (vỏ) xe được sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với gần 20 thương hiệu khác của các liên doanh hoặc nhập khẩu. Vỏ lốp ngoại từng chiếm ưu thế, tuy nhiên hiện nay người sử dụng xe gắn máy, xe tải nặng đang có xu hướng chọn săm lốp nội.
- Lợi thế: rẻ và bền

Vỏ ruột xe máy hiệu MT đang được người tiêu dùng ưa chuộng do có chế độ bảo hành tốt.
Ảnh: THÀNH NAM
Vài năm trước, săm lốp nội vẫn bị đánh giá là cứng, độ bám đường kém, gây xóc, khó điều khiển phương tiện…, nên nó thường được sử dụng cho các xe tải nặng, đi đường xóc. Nhưng nay, những hạn chế này đã•được nhà sản xuất trong nước khắc phục, thậm chí chất lượng săm lốp nội còn được đánh giá tốt hơn một số loại săm lốp nhập khẩu vì chịu được địa hình và thời tiết nóng.
Theo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, mức tiêu thụ các loại săm lốp sản xuất trong nước đang ở mức cao, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp với sản phẩm săm lốp Sao Vàng, DRC, Casumina.
Ưu thế đầu tiên của săm lốp nội là giá rẻ. Trước đây, giá bán săm lốp nội thường cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập khẩu hoặc liên doanh 10-15% thì nay, vị trí này đã• được hoán đổi lại: rẻ hơn sản phẩm liên doanh và nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Nhật, Đức 10-20%.
Theo người tiêu dùng, săm lốp nội cũng khẳng định mình bằng việc đa dạng chủng loại, mẫu mã, nhiều kiểu gân…, khách hàng tự do lựa chọn phù hợp với điều kiện sử dụng. Casumina có tới 50 loại lốp xe máy, lốp Sao Vàng có hơn 30 chủng loại, lốp DRC có 20 mẫu…, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng. Không chỉ có chế độ bảo hành sản phẩm từ 12 đến 24 tháng, săm lốp nội còn có hệ thống đại lý phân phối rộng ở các địa phương, giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn sản phẩm chính hãng.
- Thách thức không nhỏ
Theo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, hiện mức tiêu thụ tất cả các sản phẩm săm lốp đang tăng từ 3 đến 5 lần so với những tháng đầu năm 2006. Thông tin thị trường cũng cho thấy hiện giá cao su nguyên liệu giảm xuống đã•kích thích nhiều doanh nghiệp nhỏ, tư nhân tăng cường sản xuất săm lốp, tạo ra sức cạnh tranh mới trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, theo một cán bộ thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, việc phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang là một khó khăn đối với ngành công nghiệp sản xuất săm lốp. Ngoài nguyên liệu là cao su tự nhiên, hiện nay chúng ta phải nhập 100% cao su tổng hợp, vì vậy khi nước ngoài tăng giá nguyên liệu thì ngành sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
Không những thế một số nguyên liệu như thép tanh, than đen (carbon black)… phục vụ cho các nhu cầu sản xuất cũng chưa tự chủ được. Lợi thế về giá sẽ bị triệt tiêu khi Việt nam gia nhập WTO. Sở dĩ hàng ngoại cao hơn hàng nội là do thuế nhập khẩu khá cao, chiếm trên 50% giá thành, nhưng khi hội nhập mức thuế bằng nhau, sản phẩm ngoại chất lượng hơn sẽ khó cho sản phẩm nội.
Với những gì hiện có, việc sản xuất mặt hàng này sẽ còn nhiều khó khăn khi hội nhập. Bởi lẽ, công nghệ chế tạo săm lốp của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, nếu không nói là thấp, cho nên tỉ lệ phế phẩm khá cao và khiến giá thành bị đội lên nhiều. Lốp xe hiện được chia theo nhiều cấp độ tùy theo điều kiện sử dụng, như tải trọng và tốc độ xe.
Với công nghệ hiện tại, chúng ta chỉ chế tạo được các loại lốp chịu được vận tốc trung bình. Do vậy, mặc dù có độ chịu tải khá tốt, nhưng lốp nội vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là khi đường xá, điều kiện giao thông được cải thiện, tốc độ chạy xe tối đa cho phép được nâng dần lên thì ưu thế cạnh tranh của hàng nội sẽ bị giảm nhiều.
Để khắc phục điều này, thời gian tới cần phải sắp xếp lại sản xuất, đổi mới công nghệ và tận dụng nguyên liệu tại chỗ để có được những sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, phải nhìn thấy được ưu thế lớn nhất của hàng nội chính là ở khâu phân phối và tư vấn sử dụng, cùng các dịch vụ hậu mãi đi kèm.
Yếu tố bảo hành sản phẩm là một ưu thế mà hàng ngoại không dễ có. Ưu thế này chỉ phát huy tối đa nếu các nhà sản xuất biết kết hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ thay thế săm lốp, cung cấp cho khách hàng một dịch vụ thay thế chuyên nghiệp, đáng tin cậy.
NGUYỄN HOÀNG