Lớn mạnh trong áp lực cạnh tranh

Nắm trong tay nhiều nhãn hàng sữa uy tín với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt mức từ hơn 20%-100%/năm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm chia sẻ với cộng đồng dưới nhiều hình thức thiết thực… là những nét nổi bật của các doanh nghiệp (DN) sữa nội.

Nắm trong tay nhiều nhãn hàng sữa uy tín với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt mức từ hơn 20%-100%/năm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm chia sẻ với cộng đồng dưới nhiều hình thức thiết thực… là những nét nổi bật của các doanh nghiệp (DN) sữa nội.

Hơn lúc nào, các DN đã và đang làm cho người tiêu dùng trong nước có chung niềm tự hào về sự trưởng thành của các thương hiệu sữa Việt Nam.

Theo số liệu của Công ty Vinamilk, năm 2014, tổng doanh thu đã đạt 34.977 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu trong 10 năm gần đây khoảng 22% mỗi năm, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm gần đây là 19.000 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu của Vinamilk đã được Đại hội cổ đông thông qua trong năm 2015 sẽ đạt 38.424 tỷ đồng. Về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Vinamilk cũng tăng trưởng mạnh và tốt, vốn điều lệ của Vinamilk hiện nay là hơn 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị thường của Vinamilk hiện nay hơn 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vinamilk hiện cũng là công ty sữa lớn nhất Việt Nam và nắm giữ hơn 50% thị phần với một danh mục sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở mọi lứa tuổi như: sữa nước, sữa chua uống, sữa chua ăn, sữa bột và bột dinh dưỡng, sữa đặc, kem, nước giải khát… Hiện Vinamilk chiếm khoảng 53% thị phần ngành hàng sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc. Vinamilk cũng có hệ thống phân phối bán hàng rộng khắp Việt Nam, sản phẩm Vinamilk hiện có mặt tại hơn 212.000 điểm bán lẻ, 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính công ty, và 650 siêu thị trên toàn quốc.

Không chỉ lớn mạnh ở thị trường trong nước, Vinamilk còn không ngừng phát triển thị trường xuất khẩu. Hiện Vinamilk đã xuất sản phẩm đi hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 200 triệu USD Mỹ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Đông và châu Á. Vinamilk đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ,… Doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ lệ 8% - 24% tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk. Tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu là 17%/năm trong 10 năm qua. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sữa bột và sữa đặc.

Tương tự, với Công ty NutiFood, trong 4 năm gần đây cũng luôn đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu 80% - 100%/năm. Riêng năm 2014, DN đã đạt mức doanh thu là 5.700 tỷ đồng. Kết quả khảo sát về thị trường sữa tại Việt Nam của Tổ chức Nielson cũng cho thấy, nhãn hàng Grow Plus của Nutifood trở thành sản phẩm bán chạy số 1 tại Việt Nam trong phân khúc sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Đây cũng là công trình nghiên cứu trong suốt 2 năm và mang đậm dấu ấn NutiFood phối hợp với Viện Dinh dưỡng Việt Nam thực hiện và đưa sản phẩm đầu tiên ra thị trường vào năm 2012, đến nay đã được người tiêu dùng tin chọn bởi chất lượng tốt nhưng giá bán rất cạnh tranh.

Cùng với NutiFood và Vinamilk, thị trường sữa còn có nhiều nhãn hàng khác của các DN sữa như Công ty Hanfoodco, Công ty Tân Úc Việt, TH True Milk… Đây cũng là những DN đang có những sản phẩm đối trọng với sữa ngoại nhập. Nói về định hướng phát triển và cạnh tranh khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, cho rằng, hiện hầu hết các nhãn hàng sữa hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt tại VN, do vậy Vinamilk đã làm quen với cạnh tranh từ rất sớm. Đến nay, Vinamilk đã hoàn tất các quy trình sản xuất theo hướng hiện đại và tự động hóa ở mức cao nhất để cho ra những sản phẩm tốt với giá bán cạnh tranh. Vấn đề còn lại cũng là điều lo lắng nhất là chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn sữa nguyên liệu, chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Trong khi đó, ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa phát triển theo hướng tập trung nên giá bán sữa tươi nguyên liệu vẫn còn cao hơn so với nhiều nước. Để kéo giảm mức giá, không còn cách nào khác là phải hiện đại hóa quy trình chăn nuôi nhằm tiết giảm chi phí, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn thì giá bán mới có thể cạnh tranh.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood, nhìn nhận, thị trường sữa đang có sự có cạnh tranh rất khốc liệt nên NutiFood đang nỗ lực bằng mọi cách để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của công ty. Theo đó, thứ tự ưu tiên của NutiFood vẫn là chất lượng sản phẩm - chăm sóc khách hàng và đội ngũ người bán hàng - nhân viên công ty và cuối cùng mới đến quyền lợi của công ty. Điểm khác biệt của NutiFood chính là đội ngũ các bác sĩ tham gia kinh doanh, nên NutiFood rất am hiểu về dinh dưỡng để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.

Bằng những gì đã nói, có thể thấy, các DN sữa trong nước đã và đang có sự cạnh tranh sòng phẳng với các nhãn hàng sữa nhập khẩu. Trong đó, bằng sự đầu tư rất nghiêm túc về nhiều mặt, các DN sữa đã xây dựng được uy tín, niềm tin và trách nhiệm đối với cộng đồng (như tham gia bình ổn giá sữa, tài trợ cho các tài năng trẻ Việt Nam, chương trình sữa học đường, quỹ trồng 1 triệu cây xanh…) vượt lên tất cả đó là dinh dưỡng, là chăm lo cho sức khoẻ của giống nòi thông qua những sản phẩm có chất lượng cao. Làm được điều này cũng đồng nghĩa, DN sữa trong nước sẽ ngày càng lớn mạnh trong áp lực cạnh tranh.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục