Đây là khẳng định của lãnh đạo và doanh nghiệp (DN) tỉnh Long An tại hội thảo kết nối giao thương và tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Long An với các DN, hệ thống phân phối, chợ đầu mối TPHCM tổ chức ngày 13-9 vừa qua.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, để hàng nông sản của Long An phát triển bền vững, cách duy nhất là hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Thu hoạch lúa đặc sản Nàng thơm chợ Đào tại huyện Cần Đước, Long An cung ứng cho thị trường TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Chưa tận dụng tốt lợi thế
Long An là “người láng giềng” của TPHCM. Từ nhiều năm qua, Long An được xem là một trong những địa phương cung cấp nguồn nông sản đa dạng cho thị trường TPHCM. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt khoảng 3,9%/năm, với 8 loại nông sản chủ lực, trong đó sản lượng lúa đạt 2,8 triệu tấn/năm, hoa quả 158.000 tấn/năm, rau và đậu 180.000 tấn/năm, thịt hơi các loại 72.000 tấn/năm và 160 triệu quả trứng gia cầm/năm... Tuy sản lượng và chất lượng nông sản của Long An đạt tiêu chuẩn chất lượng, phong phú về mặt hàng, chủng loại, nhưng việc tiêu thụ vẫn bấp bênh, thiếu tính liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ lớn là TPHCM.
Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, trong 5 năm gần đây, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh hiện đang được quy hoạch phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nhưng còn nhiều vấn đề chưa giải quyết rốt ráo. Cụ thể, trong mối liên quan đến chuỗi sản xuất, liên kết “4 nhà”, đặc biệt là trong kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Long An vẫn ở vòng luẩn quẩn. Người nông dân còn lúng túng với đầu ra sản phẩm, thương hiệu nhiều đặc sản Long An vẫn chưa vào được các hệ thống phân phối lớn của TPHCM, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Ông Trần Đức Giao, đại diện nông dân huyện Cần Giuộc, thừa nhận, sản xuất nông nghiệp ở Long An vẫn ở dạng nhỏ lẻ. Tâm lý của đại đa số người dân là chạy theo đám đông, khiến hàng hóa luôn trong tình trạng khủng hoảng thừa, thiếu hẳn sự quy hoạch hài hoà, bài bản. Trong khi đó, các mặt hàng sản xuất theo quy trình VietGAP chưa được thực hiện nhiều vì cần có sự đầu tư về nhiều mặt nhưng giá thành sản phẩm đòi hỏi không quá cao so với hàng sản xuất đại trà, khiến người dân không có nhiều quyết tâm đi theo hướng sản xuất an toàn. Trên thực tế, thị trường lại đang có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm sạch, do vậy nếu người dân không mạnh dạn chuyển đổi thì hàng nông sản Long An sẽ mãi mãi đứng bên ngoài cửa hàng, siêu thị.
Hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn
Trước thực trạng trên, ông Đặng Phước Dũng, Giám đốc HTX rau Phuớc Thịnh, cho rằng, để nông nghiệp phát triển, không còn cách nào khác là mỗi người dân phải liên kết để sản xuất theo hướng an toàn. Theo ông Dũng, hiện HTX đã trồng bình quân mỗi năm khoảng hơn 380ha rau, hàng ngày cung ứng cho thị trường khoảng 3,5 tấn rau an toàn các loại. Do HTX chưa xây dựng được thương hiệu nên rau an toàn của Phước Thịnh mới đưa vào TPHCM theo dạng bán sỉ tại chợ đầu mối. Mong muốn của HTX là sẽ bán được hàng trực tiếp cho các hệ thống phân phối lớn của TPHCM, tạo đà cho sản xuất thực phẩm an toàn phát triển.
Là một trong những DN thành công đi lên từ hộ nông dân, ông Võ Ngọc Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Fohla, chia sẻ, trong bối cảnh liên kết 4 nhà chưa được phát huy mạnh mẽ, việc kết nối sản xuất và phân phối chưa mang lại hiệu quả, thì tự thân người nông dân cần có sự liên kết, hợp tác để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn. Trong quá trình sản xuất cần có những giải pháp hữu hiệu để kéo giảm chi phí để có thể tăng lợi nhuận. Và nền tảng để thành công là phải nâng chất lượng, minh bạch trong sổ sách và đưa sản xuất đạt các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng ngày càng cao của người tiêu dùng. “Nhờ tư duy đúng về đầu tư cho sản xuất nên công ty mới chỉ đi vào trồng chuối khoảng 2 năm, việc xuất khẩu sang Nhật Bản cũng chỉ tròn 12 tháng nhưng thương hiệu chuối Fohla của công ty đã có “số má” tại Nhật Bản”, ông Huy cho hay.
Để giải quyết bài toán cho ngành nông nghiệp Long An, ông Phạm Văn Cảnh, cho biết, trong định hướng chiến lược 2015-2020, Long An xác định sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó lĩnh vực trồng trọt sẽ tập trung vào một số loại cây lúa, thanh long, rau, chanh, khoai mỡ, dưa hấu… Chăn nuôi tập trung vào bò, gia cầm và heo; thủy sản có cá nước ngọt, tôm. Về đầu tư, Long An ưu tiên cho các dự án phát triển hạ tầng, cơ giới hóa, trạm bơm điện, ứng dụng công nghệ cao… Long An phát triển vùng nuôi bò tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ; riêng đối với VietGAP, Long An sẽ mở rộng diện tích lên 6.320ha, trong đó chỉ riêng huyện Cần Giuộc là 1.800ha.
Từ nay đến năm 2020, Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư để hình thành từ 10-12 DN công nghệ cao, đồng thời thành lập từ 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và lai tạo 2-3 giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ cao.
Ở góc độ hợp tác với Long An, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, Long An cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX phát triển sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Có quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tích tụ hoạt động sản xuất theo quy mô lớn, có định hướng, chiến lược rõ ràng, xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, qua đó giảm giá thành, nâng cao uy tín đối với người tiêu dùng. Đối với nội dung phối hợp giữa hai địa phương tăng cường phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối.
Về phía các DN TPHCM cũng khẳng định, Long An đang có rất nhiều lợi thế để chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn. Đây cũng chính là thời điểm tốt nhất để Long An chuyển đổi. Để làm được việc này, cần có một quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cho đến các DN và hộ nông dân. Theo các DN TPHCM, chỉ khi nào Long An cung ứng cho thị trường TPHCM ngày càng nhiều những mặt hàng có chất lượng và an toàn thực phẩm, khi đó việc hợp tác giữa DN 2 địa phương mới mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, các DN TPHCM sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thu mua, bao tiêu các mặt hàng có chất lượng, giúp tăng thu nhập người nông dân.
TƯỜNG DÂN