Long An phát triển tiểu vùng phía Tây

Với lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên cũng như nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biên mậu, tỉnh Long An được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) với diện tích tự nhiên 13.080ha.

Đây là KKT đa ngành, đa lĩnh vực và tương lai sẽ là một trong những KKT khá quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, từ đầu năm đến giữa tháng 10-2016, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa theo hợp đồng thương mại đạt 21,5 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là 6,2 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015; cửa khẩu Mỹ Quý Tây là 14,7 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ và cửa khẩu phụ Hưng Điền A 469.000USD, gần gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.

Để thực hiện chiến lược về xây dựng và tạo đà phát triển KKTCK, tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2016”, KKTCK là 1 trong 16 dự án kêu gọi đầu tư từ nhiều hình thức như PPP, BT, đầu tư trực tiếp. Trong 13.080ha được quy hoạch của KKTCK Long An tại thị xã Kiến Tường, đất dành cho khu phi thuế quan khoảng 160ha, đất khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp 360ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 2.266 triệu USD, theo hình thức đầu tư PPP, BT và đầu tư trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An, hiện các ngành chức năng đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào KKTCK Long An, quy hoạch hình thành các khu nhà ở, khu đô thị hiện đại, hạ tầng đồng bộ, có cảnh quan môi trường chất lượng, là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An gắn kết với cửa khẩu. Trong tương lai, đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, vùng ĐBSCL, TPHCM đến năm 2030; chiến lược phát triển các KKTCK của Việt Nam đến năm 2020; chiến lược phát triển KT-XH tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược phát triển KT-XH KKTCK Long An. Hình thành không gian KKT tổng hợp có vai trò là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh Long An, vùng ĐBSCL thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương giữa Việt Nam - Campuchia.

Được biết, hiện nay với sự hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Long An đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến KKTCK, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, chuyên chở hàng hóa; tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.

THANH TÙNG

Đồng Tháp thí điểm mô hình hợp tác xã kiểu mới

Theo Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đồng Tháp, năm 2017, tỉnh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là hợp tác xã hoạt động trên các mặt hàng: lúa, cá tra, xoài, nhãn, quýt, chanh, hoa kiểng, rau an toàn; ổn định các quỹ tín dụng nhân dân, củng cố các hợp tác xã ngành vận tải, thương mại, xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Thực hiện Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đồng Tháp cũng đã thông qua chương trình hành động thực hiện quyết định này và chọn 9 hợp tác xã tham gia thí điểm. Đây là những hợp tác xã hoạt động về lĩnh vực lúa gạo, trái cây và thủy sản. Tham gia mô hình, 9 hợp tác xã tiếp tục được củng cố, tổ chức lại hoạt động; đồng thời được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực liên doanh, liên kết với doanh nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

NGUYỆT ÁNH

Sóc Trăng vào vụ trồng hành tím

Hiện nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang vào vụ hành tím sớm. Tính đến cuối tháng 11-2016, nông dân đã xuống giống trên 150ha, tập trung ở các xã Vĩnh Hải, phường Vĩnh Phước và phường 2. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho biết: “Xã chỉ đạo nông dân ở những vùng đất giồng cao xuống giống hành tím đông xuân cho kịp thời vụ để thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Vận động nông dân sản xuất theo hướng sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm”. Trồng hành tím sớm là một trong những thế mạnh của thị xã Vĩnh Châu nhằm tạo thêm thu nhập cho nông hộ.

THÙY NGÂN

Tin cùng chuyên mục