Long An tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt; thời gian qua, tỉnh Long An đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt; thời gian qua, tỉnh Long An đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững.

Sau khi quy hoạch xong vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu, tỉnh Long An đã định hướng nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như thanh long, bắp, chanh, mía… tùy theo điều kiện đất đai của từng vùng. Sau thời gian trồng thí điểm cho hiệu quả cao, hiện diện tích trồng thanh long ở Long An đã lên hơn 5.500ha, tăng 2.700ha so với năm trước. Giá thanh long dao động theo từng mùa vụ, cho lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha. Đây được xem là một trong những cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Long An thời gian gần đây.

Trong khi đó, đất trồng lúa, đậu phộng ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ kém hiệu quả cũng được chuyển sang trồng bắp lai và cho kết quả khả quan. Đến nay, diện tích bắp lai ở hai huyện này có trên 4.000ha, năng suất bình quân đạt 8 - 10 tấn/ha.

Vài năm trở lại đây, cây chanh cũng được nông dân các huyện Bến Lức, Tân Thạnh, Đức Huệ tích cực trồng thử nghiệm. Đặc biệt, từ khi giá mía giảm mạnh, phần lớn diện tích mía ở huyện Bến Lức được chuyển sang trồng chanh xuất khẩu. Hiện nay, diện tích trồng chanh trên toàn tỉnh đạt hơn 5.000ha, năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha. Với giá hiện nay tương đối ổn định (20.000 - 30.000 đồng/kg), lợi nhuận từ trồng chanh xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu đồng/ha. Theo nhận định của bà Bùi Thị Ba, chủ trang trại chanh VICA ở huyện Bến Lức và nhiều chủ trang trại khác, sản lượng chanh hiện nay ở Long An vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong những năm tới, chanh quả vẫn có chỗ đứng ổn định trên thị trường vì nhu cầu luôn tăng cao nên phát triển diện tích trồng chanh là hướng đi phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.

Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa diễn ra vẫn còn chậm, nên lúa vẫn chiếm đến 94% tổng diện tích cây trồng hàng năm. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp tất yếu để thích nghi với điều kiện tự nhiên của từng địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch, Long An tập trung vào 4 lĩnh vực chính trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, trồng trọt tập trung vào 6 loại cây: lúa, thanh long, rau, mè, bắp, chanh. Chăn nuôi tập trung vào bò sữa, gia cầm và heo. Thủy sản nuôi cá nước ngọt và tôm. Về đầu tư, ưu tiên phát triển hạ tầng, cơ giới hóa, trạm bơm điện, ứng dụng công nghệ cao... Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra cho nông sản để bảo đảm tính ổn định và bền vững của cây trồng sau chuyển đổi. Ngoài ra, tỉnh cũng lựa chọn và giới thiệu các mô hình chuyển đổi có hiệu quả để khuyến khích người dân nhân rộng.

XUÂN ANH

Tin cùng chuyên mục