Tăng về lượng và chất
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Long An, trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đón hơn 904.000 lượt du khách đến tham quan, tăng 9% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế hơn 13.000 lượt, tăng 20%. Doanh thu về du lịch 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 441 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ.
Có thể nói, thời gian qua ngành du lịch của tỉnh có bước đột phá rất lớn và đạt được những kết quả ấn tượng cả về số lượng du khách lẫn doanh thu. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo động lực lớn cho ngành du lịch địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, khai thác ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn nhiều du khách. Để đạt được kết quả trên, tỉnh Long An đã và đang tập trung đầu tư nhiều khu du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, như: Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, Khu phức hợp giải trí Khang Thông, điểm du lịch Phước Lộc Thọ, vườn thú Mỹ Quỳnh, khu sân golf tại xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa)…
Đối với cơ sở lưu trú phục vụ du lịch cũng được tỉnh quan tâm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 24 khách sạn đã được thẩm định. Trong đó, có 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao và 19 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao. Nhìn chung, các khách sạn được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật du lịch cũng được đẩy mạnh; trong 6 tháng đầu năm 2018, ngân sách tỉnh đầu tư 3.812 triệu đồng phát triển hạ tầng du lịch tại Khu di tích Lịch sử ngã tư Đức Hòa (giai đoạn 2) và Khu di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Hệ thống giao thông cũng đang dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch…
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Long An (kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Long An), chia sẻ: “Tỉnh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Long An trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TPHCM ở vùng ĐBSCL, với hình ảnh đặc trưng là sông Vàm Cỏ, trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và Khu phức hợp giải trí Khang Thông”.
Bên cạnh đó, Long An tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười đầu tư, khai thác các dịch vụ tại Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen. Đồng thời, thúc đẩy Công ty CP Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười khẩn trương các thủ tục thuê đất đối với loại đất sản xuất kinh doanh và phương án quản lý, khai thác đất rừng đặc dụng để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động Khu phức hợp giải trí Khang Thông. Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân xây dựng sản phẩm du lịch miệt vườn, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, khuyến khích các cơ sở lưu trú đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ… Tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm mục đích xây dựng “Người Long An hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”.
Ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh phải dựa trên những lợi thế so sánh, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương có tiềm năng tương đồng, nhất là các địa phương phụ cận trong vùng ĐBSCL. Việc phát triển cũng đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, chú trọng những thị trường du lịch trọng điểm của Long An đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Khai thác có hiệu quả những lợi thế so sánh của Long An, đặc biệt là về tài nguyên du lịch để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh. Cần thấy rằng, Long An là địa phương có được sự đa dạng về địa hình chuyển tiếp từ vùng gò đồi, đồng bằng đến sông hồ và vùng nước biển ven bờ; vì vậy cảnh quan ở Long An khá đa dạng và hấp dẫn. Tập trung khai thác cảnh quan ven sông Vàm Cỏ Đông (đoạn trên địa bàn các huyện Đức Hòa, Đức Huệ và đoạn từ Bến Lức, Cần Đước), sông Vàm Cỏ Tây (đoạn trên địa bàn các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng) và cảnh quan đặc trưng ở vùng trũng Đồng Tháp Mười trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa - nơi có những thảm rừng tràm tự nhiên bát ngát, các hồ sen, súng, cỏ lát... tạo nên nét đặc sắc của sinh cảnh đất ngập nước, đặc biệt vào mùa nước nổi ở Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen hoặc dọc trục tuyến đường N2. Cảnh quan vùng làng quê với những cánh đồng lúa trù phú, các vườn cây ăn trái mang đậm tính đặc thù vùng ĐBSCL.
“Long An có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch, có vị trí “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng ĐBSCL, có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thuận lợi trong hội nhập với du lịch khu vực, thu hút nguồn du khách từ nội khối ASEAN. Ngoài ra, quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh Long An khá dồi dào, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, sự phân bố các điểm tài nguyên du lịch khá tập trung, hệ thống giao thông đường bộ và các điều kiện có liên quan đến phát triển du lịch ở Long An đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua… Tất cả hứa hẹn cho ngành du lịch Long An tăng tốc trong thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Dũng kỳ vọng.
Năm 2000, ngành du lịch Long An chỉ đón khoảng 8.700 lượt khách, doanh thu 7,9 tỷ đồng. Nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự đầu tư mạnh hơn cho du lịch... đến năm 2010, Long An đón hơn 287.870 lượt khách, doanh thu tăng lên 82,9 tỷ đồng. Năm 2015, số lượng du khách về Long An tăng đến 802.882 lượt, doanh thu đạt 360,9 tỷ đồng. Năm 2016, du khách đến Long An tiếp tục tăng lên 910.441 lượt, doanh thu hơn 409 tỷ đồng. Sang năm 2017, Long An đột phá về số lượng du khách khi vượt ngưỡng 1,1 triệu lượt khách, doanh thu hơn 485 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2018, toàn tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách (khách quốc tế 21.000 lượt), doanh thu 638 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, Long An đón hơn 1,83 triệu lượt khách (khách quốc tế là 35.000 lượt), doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng… Hiện tỉnh tập trung đầu tư và khai thác các điểm du lịch thế mạnh như làng nổi Tân Lập, khu Láng Sen, khu dược liệu Đồng Tháp Mười, dự án Vườn Thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) quy mô 47,93ha… nhằm gia tăng lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Long An. |