Một hôm, tình cờ thấy hai em học sinh lớp 11 đang tập nhảy xa ở một khu vui chơi, tôi đến gần trò chuyện làm quen, rồi đặt câu hỏi: “Chú hỏi các cháu, hành động dám nhảy qua hàng rào kẽm gai của một tên trộm chuyên nghiệp khi bị người dân truy đuổi có phải do tên trộm đó có quyết tâm cao hay không?”. Một cháu nói rằng: “Tên trộm đó rất bản lĩnh, bình thường thì chẳng ai dám nhảy qua”. Một cháu khác lại nói: “Như vậy là có ý chí và quyết đoán, nên mới dám nhảy qua hàng rào kẽm gai”. Tôi lại hỏi thêm: “Với 2 hành động sau đây, các cháu suy nghĩ thế nào về họ: Hành động của một chiến sĩ công an nhảy qua hàng rào kẽm gai để truy đuổi một tên tội phạm nguy hiểm và hành động của một tên trộm cũng nhảy qua hàng rào đó, có khác gì nhau không?”. Lúc đó các cháu im lặng.
Như vậy, 2 cách trả lời với 2 tình huống này cho thấy các cháu nhận thức còn nông cạn, sự phân biệt đúng - sai, xấu - tốt, hèn nhát - kiên cường chưa được các cháu nhận thức đầy đủ. Và thông qua câu chuyện này cho thấy: Sự dũng cảm của con người không phải cao hay thấp, nhiều hay ít, mà điều quan trọng nhất chính là ở chỗ giá trị xã hội của nó.
Biết bao nhiêu vấn đề xã hội nảy sinh, đôi khi chúng ta lại thấy cùng một hành động nhưng có người bị coi là hèn nhát, tham lam, vô cảm, có người lại được coi là dũng cảm, kiên cường, quên mình. Một đám cháy lớn xảy ra ở khu dân cư, rất nhiều người chạy đến, có người lao vào lửa để cứu người, gắng giúp gia chủ mang tài sản ra ngoài; cũng có người lao vào lửa nhưng để thừa dịp hôi của, xem có cái gì quý thì bỏ vào túi mình. Đúng như điều ví von, rằng con người ta có 2 túi, một túi đựng cái “xã hội”, đeo đằng trước; một túi đựng cái “cá nhân”, đeo ở đằng sau. Nếu hành động vì sự tham lam, hèn nhát, mưu lợi riêng thì bao giờ cũng lén cho vào túi đằng sau của mình. Có nhiều người cũng có túi đựng đằng trước, nhưng chỉ để làm vật trang trí, giả dối che mắt mọi người.
Tinh thần dũng cảm quên mình không tự nhiên mà có được, đó là phẩm chất được rèn luyện trong những môi trường tích cực. Nó không chỉ thể hiện sức mạnh, ý chí của người đó, mà còn thể hiện họ được giáo dục về giá trị xã hội của con người. Trong lớp trẻ ngày nay, có một bộ phận không được giáo dục bài bản, không được rèn luyện, chỉ quen lối sống hưởng thụ, nên họ không bao giờ biết và hiểu thế nào là tinh thần dũng cảm của con người. Cũng có những bạn trẻ xuất thân gia đình có hoàn cảnh đời sống khó khăn, nhưng được gia đình nhắc nhở giáo dục chu đáo, hiểu được sự vất vả của cha mẹ và phải trải những thử thách gian khó, nên hình thành phẩm chất biết sống vì người khác, khi có điều kiện thì dễ dàng bộc lộ, chứ không chần chừ, do dự.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐH Nguyễn Huệ)