
Từ 3 tháng nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM đã trở nên trầm trọng hơn. Nhiều tuyến đường trước đây ít kẹt xe, nay cũng kẹt. Nhiều con đường kẹt xe thường xuyên, dù không phải là giờ cao điểm. Vì sao như vậy?
Đậu xe tràn lan
Trước đây, dư luận đã bức xúc vì việc nhiều tuyến đường trở thành bãi đậu xe có thu phí, khiến mặt đường hẹp lại, giao thông khó khăn. Tiếp thu phản ánh này, ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã sắp xếp và thu hẹp số lượng các tuyến đường cho đậu xe thu phí. Nhưng rồi cũng chỉ thông thoáng được một thời gian. Giờ đây, gần 80% tuyến đường ở khu vực trung tâm TP đều có biển cấm đậu xe, thế nhưng xe vẫn đậu tràn lan. Ngay trước nhà thờ Đức Bà (quận 1) nhiều ô tô đậu rồng rắn ngay nơi có biển cấm đậu. Được hỏi sao lại đậu xe nơi cấm đậu, các tài xế đều than rằng vì hầu như chỗ nào cũng cấm đậu xe cả, nên phải đậu liều thôi, nếu cảnh sát giao thông đến thì… chạy, bị phạt thì năn nỉ.

Xe 2 bánh len lỏi giữa 3 làn ô tô trên đường Nguyễn Du (quận 1).
Thật vậy, trên đường Nguyễn Du, đoạn từ tòa nhà Metropolitan đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bề ngang mặt đường chưa đầy 8m, đã có biển cấm đậu nhưng ô tô vẫn đậu thành hàng dài đến tận giao lộ, 3 làn ô tô đậu chiếm gần hết đường, khiến người đi xe máy không còn lối đi, phải len lách giữa dòng ô tô mới vượt lên được. Tuyến đường Tôn Thất Tùng, từ giao lộ Bùi Thị Xuân đến Nguyễn Trãi, bề ngang mặt đường cũng chưa được 8m nhưng taxi đậu kín hai bên lòng đường. ô tô đậu ngay dưới lòng đường khiến nhiều xe 2 bánh phải leo lên vỉa hè mới có lối thoát. Ngay trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên hông Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay chỗ biển cấm dãy ô tô đậu thành hàng dài rồng rắn chờ đón học sinh. Được hỏi vì sao đậu ngay biển cấm, một tài xế xe Camry đáp thản nhiên: “Cấm thì cấm, toàn xe sếp không hà, nên cảnh sát giao thông ít hỏi thăm lắm”. Tình trạng tương tự cũng thấy ở các tuyến điểm nóng có biển cấm đậu xe, như: Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, Bùi Thị Xuân…
Nếu thắc mắc vì sao bỗng dưng kẹt xe, chỉ cần tìm lại số liệu cũ: Tháng 8-2007, TPHCM có gần 3,2 triệu mô tô và 316.135 ô tô, (chưa kể khoảng 500.000 xe máy cùng 60.000 ô tô mang biển số các tỉnh lưu thông trong TP mỗi ngày). Còn số liệu ghi nhận mới đây, lượng xe gắn máy và ô tô đã tăng lên gấp đôi: 6,5 triệu xe gắn máy và khoảng 660.000 ô tô, trong khi 65% là đường có bề ngang dưới 7m. Hậu quả, kẹt xe hay ùn tắc xảy ra kể cả ở giờ thấp điểm và xe 2 bánh phải “leo lề”, tìm lối thoát là… chuyện thường ngày!
Bãi xe thu phí vừa ít, giá lại bèo
Vì sao xe đậu tràn lan, bất chấp biển cấm? Anh Nguyễn Đăng (nhà ở quận Phú Nhuận) vừa tậu được chiếc Mazda, đến uống cà phê Highland sau lưng Nhà hát Thành phố và đậu xe tại một bãi xe thu phí gần đó, khoe với tôi: “Đậu xe giá bèo, chỉ 25 ngàn đồng cho cả ngày luôn, may thiệt”. Lý giải chuyện xe đậu tràn lan, anh lắc đầu cho biết: “Chỗ đâu mà đậu, kiếm được chỗ đậu xe thu phí là mừng rồi!”. Vì mới tậu xe nên anh không biết giá chính thức còn “bèo” hơn, chỉ có 5.000 đồng/lượt xe thôi. Đậu xe trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), anh Trần Đình Chiến, lái xe cho một chủ doanh nghiệp đến làm việc trên đường Nguyễn Du, cho biết: “Vì đường Nguyễn Du cấm nên tôi phải chạy qua đây đậu, giá chỉ có 5.000 đồng thôi. Đậu ở đường Nguyễn Du nếu bị phạt, xe nhà thì móc tiền túi nộp, còn tôi làm thuê, lỡ bị phạt thì tiền đâu mà nộp, nên phải chịu khó tìm bãi xe có thu phí mà đậu, khi nào chủ làm việc xong, nhá máy điện thoại thì chạy tới”. Hỏi nếu không có bãi thu phí thì sao, anh cho biết “cứ nổ máy, ngồi trên xe, bật xi nhan, xăng chủ chịu mà lo gì”.
Chị Vũ Hà (nhà ở quận Phú Nhuận, làm tại một cao ốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, đi làm bằng ô tô) kể: “Bãi xe của tòa nhà bé lắm, đi trễ một chút là không có chỗ đậu, bãi xe thu phí quanh tòa nhà không có, nên đành đậu vào đường cấm. Tôi đã phải nhận 18 tờ giấy báo nộp phạt nguội, đành phải nộp thôi chứ đâu có chỗ đậu xe”. Anh Vĩnh (làm việc tại một cao ốc trên đường Tôn Đức Thắng) cho biết, cao ốc có 3 tầng hầm đậu xe đều đã kín hết, có xe hơi đành để ở nhà, đi xe 2 bánh cho chắc ăn”.
Ít bãi xe thu phí, đường nào cũng cấm đậu, nên xe phải đậu vào đường cấm đã trở thành… chuyện bình thường. Do vậy, chuyện kẹt xe hay ùn tắc là điều dễ hiểu và bài toán giao thông khu vực trung tâm vẫn chưa có lời giải. Trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã tái khẳng định: “Chính phủ đã phân quyền cho địa phương nên Hà Nội và TPHCM được hạn chế xe cá nhân”. Vấn đề còn lại là TPHCM sẽ hạn chế xe cá nhân như thế nào là chuyện phải bàn.
THƯ LÊ