Kỷ niệm 30 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019)

Long Khốt - vùng đất di sản quốc gia

Rồi cũng đến ngày mảnh đất chiến trường xưa đẫm máu xương đồng đội của chúng tôi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày 17-5-2019, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia khu vực Đồn biên phòng Long Khốt (thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). 
Các cựu chiến binh trong một lần về thăm di tích Long Khốt
Các cựu chiến binh trong một lần về thăm di tích Long Khốt

Mảnh đất thiêng

Long Khốt là tên con rạch từ Campuchia chảy qua khu đất có diện tích khoảng 4,5ha thuộc ấp Trung Chánh, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Vì thế khu đất này được gọi theo tên rạch. Long Khốt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Từ năm 1958-1975, chế độ cũ đặt quận lỵ Tuyên Bình tại xã Thái Bình Trung và xây dựng nơi đây một chi khu quân sự để trấn giữ cửa ngõ biên giới phía Tây Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), tại đây ta thành lập đồn biên phòng phiên hiệu 773 (đồn Long Khốt) nhằm bảo vệ khu vực biên giới trọng yếu này. Năm 1978, Long Khốt ghi dấu chiến công 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 1997, UBND tỉnh Long An đã xếp hạng Long Khốt là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Năm 2008, xây dựng Đền thờ liệt sĩ Long Khốt. Ban Liên lạc cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5) đã sưu tầm danh sách trên 1.200 liệt sĩ hy sinh tại đây (trong đó, Trung đoàn 174 - đơn vị 2 lần được giao chủ công tiêu diệt chi khu Long Khốt, có gần 700 liệt sĩ). Nơi đây thực sự là mảnh đất thiêng lưu dấu những cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp trên chiến trường Long Khốt mà tiêu biểu là 2 trận đánh chi khu Long Khốt năm 1972 và 1974.

Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 đề xuất và phối hợp cùng Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 5, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở VH-TT-DL tỉnh Long An lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận khu vực đồn Long Khốt là miền đất di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Chiến trường này không chỉ có các trận đánh chi khu Long Khốt, đồn Long Khốt nêu trên mà còn có các trận đánh đồn ở khu vực lân cận như Măng Đa, Thái Trị, Tuyên Bình, Gò Da... nhằm làm suy yếu binh lực địch...

Hồ sơ di tích dẫu có khảo sát công phu, nhưng cũng không thể nào mô tả hết sự khốc liệt của chiến trường này. Với chúng tôi, những người lính trực tiếp chiến đấu tại đây vẫn còn hiển hiện trong ký ức những ngày gian khổ ấy. Ngày ấy, chúng tôi nhiều lần tiến công giải phóng chi khu Long Khốt. Khốc liệt nhất là 2 trận vào tháng 6-1972 và tháng 4-1974. Mỗi trận chỉ diễn ra vài ngày, nhưng đồng đội chúng tôi đã nằm lại nơi đây hơn 1.000 người. Sau chiến tranh, trở về thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi có nguyện vọng xây dựng nơi đây ngôi đền thờ liệt sĩ. Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm đã hỗ trợ tài chính và CCB Hoàng Minh Sơn, Trình Tự Kha góp sức xây đền, đúc chuông đồng đặt tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt. 

Ngày một linh thiêng, Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, nơi thờ tự hương hồn hơn 1.200 liệt sĩ hy sinh tại khu vực này và thờ vọng hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia, đã thực sự là điểm đến tâm linh. Đôi câu thơ, cặp vế đối: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia của CCB - nhà báo Trần Thế Tuyển đã được khắc trên chuông đồng lần đầu tiên xuất hiện tại đây. Và trở thành câu đối được khắc trên chuông đồng, hoành phi nhiều đền thờ liệt sĩ dọc Trường Sơn và một số địa phương khác.

Nơi hội tụ những tấm lòng

“Được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, công việc bảo tồn và phát huy giá trị vùng đất bảo tàng này đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Hưng còn nặng nề lắm”, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Hưng Nguyễn Hữu Nghĩa (Hai Nghĩa) đã tâm sự với chúng tôi như vậy. Để tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, không chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương mà còn là của tất cả chúng ta, trong đó có những CCB của Trung đoàn 174. Hàng năm, vào dịp giỗ các liệt sĩ Long Khốt (ngày 18 và 19-5), Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 tổ chức cho hàng trăm CCB về thăm lại chiến trường xưa và phối hợp cùng Sở VH-TT-DL tỉnh Long An thu thập hồ sơ, lập dự án để xây dựng khu di tích này thành điểm đến, nơi giáo dục truyền thống cách mạng và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Báo Sài Gòn Giải Phóng là đơn vị tổ chức lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ và vận động tài chính chia sẻ với bà con khu vực biên giới này. Từ ngày có Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, lễ tri ân và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh hùng liệt sĩ diễn ra vào ngày 19-5 hàng năm, thực sự là ngày hội nghĩa tình, thu hút không chỉ bà con vùng Đồng Tháp Mười mà cả nước và du khách quốc tế.

Theo đó, dự án gồm các hạng mục, công trình: trùng tu (xây dựng mới) đền thờ liệt sĩ; nhà truyền thống; tượng đài tưởng nhớ liệt sĩ hy sinh tại Campuchia; đường hoa biên giới; cầu Long Khốt và xuất bản sách, phim ảnh về di tích quốc gia Long Khốt.

Ngay sau khi phát động đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các CCB cùng nhân dân địa phương vào cuộc ủng hộ. Một số doanh nghiệp đến tận khu di tích liên hệ với chính quyền địa phương đăng ký tài trợ xây dựng công trình. Các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ điêu khắc, điện ảnh... đã đăng ký sáng tác mẫu tượng đài, viết sách, làm phim về di tích quốc gia này. Du khách thập phương, trong đó có kiều bào ta ở nước ngoài đã đến Long Khốt. Tận mắt đặt chân đến vùng đất mà hơn 1.200 liệt sĩ đã nằm xuống, nhiều người xúc động, tâm nguyện sẽ góp sức mình thực hiện thành công dự án để tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì đất nước, góp phần xây dựng Vĩnh Hưng vùng biên giới phía Tây Nam giàu đẹp và anh hùng. Đó là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái và dạt dào tình yêu quê hương, đất nước.

Tin cùng chuyên mục