Lớp học đặc biệt

Lớp học được trưng dụng lại của một ngôi trường tiểu học; bàn ghế, sách vở, đồ dùng dạy học đều đi xin đồ cũ. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, lớp học nằm bên con đường làng đầy bụi đỏ ở thôn Thọ Trung (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã đem lại niềm vui cho 15 em học sinh khuyết tật. Một lớp học đặc biệt, bởi ở đó, cả thầy và trò tuy có nỗi niềm riêng nhưng chung sự đồng cảm.
Lớp học đặc biệt

Lớp học được trưng dụng lại của một ngôi trường tiểu học; bàn ghế, sách vở, đồ dùng dạy học đều đi xin đồ cũ. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, lớp học nằm bên con đường làng đầy bụi đỏ ở thôn Thọ Trung (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã đem lại niềm vui cho 15 em học sinh khuyết tật. Một lớp học đặc biệt, bởi ở đó, cả thầy và trò tuy có nỗi niềm riêng nhưng chung sự đồng cảm.

Thầy thương binh, trò khuyết tật

Hơn 3 năm qua, lớp học của Hội cựu giáo chức (những thầy cô giáo về hưu) đã mang lại niềm vui, tiếng cười cho những trẻ em khuyết tật. Hôm tôi đến, lớp vừa mới vào đầu tiết học. Thấy khách lạ, học sinh không ai bảo ai đều tự động đứng lên vòng tay chào khách. Thầy Trần Đình Vương (63 tuổi, giáo viên đứng lớp) tâm sự: “Kể từ ngày mở lớp, bây giờ đã khác xưa nhiều rồi. Lúc mới đến với lớp học, các em còn ngờ nghệch, ai nói gì cũng cứ ngớ người ra nhìn rồi cười. Còn nay, mỗi khi thấy người lạ đến là các em tự động đứng dậy chào, đọc và viết cũng đã ổn hơn xưa”.

Dạy học trò khuyết tật vất vả hơn nên mỗi lớp phải cần đến 2 giáo viên

Khi mới nghe về lớp học này, nhiều người bảo: “Lớp học này lạ lắm”. Thầy Vương giải thích, vốn dĩ lớp này lạ vì ở đây cả thầy và trò đều có những khiếm khuyết trên cơ thể. Trò khiếm khuyết khi vừa mới chào đời, thầy khiếm khuyết do thương tật từ chiến tranh để lại. Đứng lớp ở đây có 18 thầy cô giáo, trong đó có những thầy cô từng một thời chinh chiến trong khói lửa chiến tranh, một phần cơ thể đã nằm lại nơi chiến trường. Hết chiến tranh, họ trở về với đời sống thường nhật, rồi gắn đời với nghiệp giáo.

Thầy Nguyễn Hương (63 tuổi) là một người lính từng tham chiến ở chiến trường trong tỉnh Quảng Ngãi, chiến tranh đã lấy đi của thầy cánh tay phải. Hòa bình, thầy xuất ngũ và theo nghề giáo đến lúc về hưu. Khi nghe tin lớp học này mở ra, thầy đã tình nguyện đứng lớp dạy cho các em. “Thú thật, cả cuộc đời từng dạy cho nhiều em, nhưng dạy những em khuyết tật rất khác. Ở đây như có sự đồng cảm giữa thầy và trò, bởi cùng có phần khiếm khuyết trên cơ thể. Nhiều lúc mệt, muốn nghỉ nhưng thấy các em chăm học nên chúng tôi như được tiếp sức để đứng lớp nên mọi mệt mỏi cũng tan biến”, thầy Nguyễn Hương tâm sự.

Niềm hy vọng của trò

Lớp học của trẻ khuyết tật có 13 học sinh, mỗi em mỗi hoàn cảnh và chịu sự giày vò của mỗi căn bệnh khác nhau. Trong lớp, trò nhỏ nhất 10 tuổi, còn lớn nhất đã 43 tuổi. Lớp duy trì được hơn 3 năm, mỗi tuần các thầy cô dạy 3 buổi. Lớp học tập hợp các em từ nhiều xã khác trong huyện và các huyện khác trong tỉnh. Để có được lớp học này, ngay từ đầu là cả một sự nỗ lực của những thầy cô giáo nơi đây. Sau khi về hưu, họ tham gia Hội cựu giáo chức và thầy Trần Đình Vương (Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Tịnh Thọ) đã có sáng kiến mở lớp học cho trẻ khuyết tật.

Thầy Trần Đình Vương đang uốn nắn từng con chữ cho học trò... 43 tuổi

Triển khai ý định mở lớp, các thầy cô đã tìm đến các xã, thôn có trẻ khuyết tật để vận động. “Để hình thành được lớp học, chúng tôi đã mất đến tận 6 tháng lên danh sách và động viên các phụ huynh đưa con đến lớp. Ban ngày, ai cũng bận công việc đồng áng nên chờ đêm xuống, chúng tôi mới tiếp cận được họ để động viên. Lớp học chỉ dạy môn Toán, tiếng Việt và những kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật”, thầy Vương cho biết.

Hôm tôi đến, các em đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài, những tiếng đọc đôi lúc chưa tròn vành rõ chữ, nét chữ đôi lúc còn nguệch ngoạc nhưng đó là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ của cả thầy và trò nơi đây. Bà Nguyễn Thị Hương, phụ huynh có con học ở đây, xúc động: “Nhờ những thầy ở đây mà con tôi được biết chữ, biết đọc sách. Cháu sinh ra đã bị bệnh tật hành hạ, nhà nghèo không có tiền chữa trị, mặc dù đã 43 tuổi nhưng con vẫn ngờ nghệch như trẻ lên 3. Từ hồi đến đây học, được thầy cô tận tình chỉ dạy nên thấy con đã khác hẳn so với trước đây. Gia đình tôi biết ơn các thầy cô nhiều lắm”.

Tấm lòng của các cựu giáo chức nơi đây thật đáng quý.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục