
Không điện, không sóng điện thoại, đường sá gập ghềnh, nên hai điểm trường thôn 3 và thôn 4 thuộc Trường Tiểu học Phước Cát II (xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Thế nhưng nhiều năm qua, các thầy cô giáo không ngại khó ngại khổ, cơm đùm gạo bới, đạp núi băng rừng… vào đây gieo chữ, mang lại ánh sáng tri thức cho thôn làng xa xôi.

Hàng tuần, thầy Trần Hoài Bảo vẫn ngược xuôi hàng chục cây số đường rừng để đến lớp dạy cho các em
Lớp học giữa rừng già
Từ điểm trường chính ở trung tâm xã Phước Cát II, chúng tôi buộc ba lô vào xe, định lên đường vào hai điểm trường ở giữa Vườn quốc gia Cát Tiên. Thấy vậy, thầy Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường vội xua tay: Đường vào đấy phải băng qua mấy ngọn dốc. Hôm qua trời vừa mưa nên đường rất lầy. Muốn vào phải có người dẫn đường, quan trọng phải mang theo “bảo bối”. Dứt lời, thầy Nam chỉ tay vào những sợi dây xích đang để một góc: “Cái này quấn vào bánh xe sẽ giúp bám đường, đỡ bị té. Các giáo viên đi dạy, ngoài hành trang là kiến thức, sách, vở, bút, thì thứ này cũng không thể thiếu được”, thầy Nam nói rồi đích thân lái xe dẫn đường. Con đường đất dẫn lên điểm trường thôn 3 gập ghềnh vắt ngang qua nhiều con đồi cao chênh vênh, phía dưới có dòng sông Đồng Nai cuộn chảy.
Gần 2 giờ đánh vật với con đường “đau khổ”, chúng tôi mới đến được thôn 3. Ngôi làng hiện ra trước mắt với những căn nhà dựng bằng phên gỗ tạm bợ nằm san sát nhau, bốn bề là cây rừng to đến 2 - 3 người ôm. Cạnh đó có 3 căn phòng của điểm trường thôn 3 được xây bằng gạch, nơi con em người Châu Mạ, S’tiêng đến học chữ. Điểm trường này có tổng cộng 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và 3 cô giáo trực tiếp đứng lớp. Điểm trường chia làm 3 lớp ghép, trong đó ưu tiên lớp 1 học riêng một phòng, còn lớp 2 - 3 và lớp 4 - 5 học ghép một phòng. Tiếp cận phòng học lớp 1, chúng tôi thấy cô Lý Thị Yêu đang say sưa rèn chữ viết cho các em. Ở phòng học bên cạnh, cô giáo Phạm Thị Hương vừa hướng dẫn tập đọc cho học sinh lớp 2, vừa dạy toán cho các em lớp 3.
Sau điểm trường thôn 3, chúng tôi cắt thêm 15km đường rừng đến điểm trường thôn 4 vào đúng lúc học sinh bắt đầu giờ ra chơi. 3 thầy giáo cùng 16 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) đang quây quần giữa sân trường. Các thầy hướng dẫn học sinh chơi các trò chơi bịt mắt bắt dê, nhảy dây. Ông Điểu K’Ru, Bí thư Chi bộ thôn 4, cho biết, lúc trước nhiều phụ huynh còn xem nhẹ chuyện học của con em nhưng bây giờ họ quan tâm hơn. Có em trước xác định đi học cho có, bây giờ rất mê học chữ để có kiến thức làm nền tảng, sau này sẽ tiếp tục học lên cao, kiếm công việc ổn định phụ giúp gia đình, buôn làng.
Chịu khổ để gieo chữ
|
Dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, rất gian nan so với thành thị. Cô Lý Thị Yêu cho biết, hồi mới nhận lớp, cô phát hiện một số em không biết tiếng Kinh nên cô giáo nói gì cũng không hiểu. Vì thế, cô phải dạy tiếng Kinh cho các em trước. Trong các buổi học, giáo viên xếp xen kẽ các em biết tiếng Kinh ngồi cạnh em không biết để tự bày nhau, khi các em thông thạo, mới bắt đầu dạy chữ. Do điểm xuất phát học thức của các em thấp nên thầy cô giáo phải điều chỉnh giáo án phù hợp với thực tế.
Khó khăn trên lớp là thế, nhưng theo các thầy cô giáo, gian nan nhất vẫn là vấn đề đường sá, sinh hoạt. Nhiều thầy cô đi xe máy vào điểm trường bị té ngã, tay chân còn để lại nhiều vết sẹo “kỷ kiệm”. Do đặc thù vùng đất xa xôi nên cứ đầu tuần, thầy cô mang lương thực vào điểm trường để ở lại, cuối tuần nếu thời tiết thuận lợi mới băng rừng về thăm gia đình. Ở đây không có điện, sóng điện thoại nên khi cần liên lạc với gia đình phải di chuyển đến trạm kiểm lâm, cách điểm trường khoảng 10km để nhờ báo tin.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Cát II, cho biết, để tạo công bằng, hàng năm nhà trường đều thực hiện chính sách xoay vòng giáo viên vào đứng giảng tại 2 điểm trường trên. Điểm trường thôn 3 gần hơn nên ưu tiên các giáo viên nữ, còn điểm trường thôn 4 sẽ do các giáo viên nam phụ trách. Dù khó khăn trong giảng dạy nhưng thầy cô giáo ai cũng hết mình trong việc đóng góp sức lực để tìm cách gieo con chữ nơi núi rừng heo hút.
ĐOÀN KIÊN