Lũ cuốn gây sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam

Lũ cuốn gây sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam

>> Hà Tĩnh: 2 người mất tích, nhiều xã ngập sâu do mưa lũ

>> Quảng Bình: 12 người chết và mất tích, nhiều tàu thuyền bị cuốn trôi

(SGGPO).- Tối 15-10, trao đổi với PV Báo SGGP Online, ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, trong 2 ngày qua (từ ngày 14 đến chiều tối 15-10), đơn vị đã huy động hơn 500 cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt và các phương tiện… tập trung khắc phục các sự cố sạt lở, xói lở tại tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn xã Hương Đô, xã Phúc Trạch, thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh do bị nước lũ quét gây ra.

Công nhân ngành đường sắt đang tập trung khắc phục sự cố sạt lở đường sắt ở Hà Tĩnh

Cũng theo ông Cao Tiến Hùng, hiện chỉ có tàu công trình cung cấp các vật liệu, chở đá để khắc phục sạt lở đường sắt chạy qua khu vực này, còn lại các đoàn tàu Bắc - Nam và ngược lại vẫn chưa thể chạy qua. Dự kiến phải mất nhiều ngày nữa mới có thể hoàn thành khắc phục và thông tuyến trở lại bình thường được.

Trước đó, từ lúc 16 giờ ngày 14-10, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa lớn, lũ quét, nước từ thượng nguồn đổ về quá mạnh khiến nhiều địa điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Hương Đô, xã Phúc Trạch bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng ở xung quanh phần kè, móng và làm trôi đá dưới các thanh tà vẹt của đường sắt ở độ sâu bình quân khoảng 70cm đến 1m, thậm chí có địa điểm bị khoét sâu 1,2m.

Hiện ngành chức năng vẫn chưa thống kê được mức độ thiệt hại.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở

* Đến 16 giờ 30 ngày 15-10, có 132 hành khách trên tàu SE19 “mắc kẹt” do lũ lụt tại ga Lạc Sơn thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã được giải cứu khỏi vùng cô lập để tiếp tục hành trình.

Để thực hiện việc giải cứu trên, lực lượng ngành đường sắt đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự và các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Bình dùng 3 ca nô chuyên dụng tăng bo, vận chuyển hành khách vượt qua sông Gianh ra khỏi vùng bị cô lập. Sau khi được đưa ra khỏi vùng cô lập, ngành đường sắt đã dùng ô tô để chuyên chở hành khách tiếp tục cuộc hành trình đi vào Đà Nẵng theo đúng lộ trình kế hoạch ban đầu.

Trước đó vào tối 13-10, tàu SE19 xuất phát tại Hà Nội chở theo 132 hành khách đi vào Đà Nẵng nhưng đến ga Lạc Sơn bị mưa lũ chia cắt đường nên buộc phải dừng cuộc hành trình. Địa điểm ga Lạc Sơn nằm ở vùng núi cao nên việc “mắc kẹt” lại ở đây gặp rất nhiều khó khăn cho hành khách nhất là việc ăn uống, vệ sinh, giữ gìn sức khỏe... Sau gần 24 giờ, với sự nỗ lực của ngành đường sắt và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị chức năng ở đây, 132 hành khách đã được giải cứu khỏi vùng cô lập để tiếp tục cuộc hành trình.

Tại Quảng Bình còn có 3 tàu khác là TN2, SE21 và VH32 với tổng số gần 400 hành khách phải dừng đỗ dọc đường. Các điểm dừng đỗ của 3 tàu này không nằm trong vùng bị cô lập mà gần với các khu dân cư, thị trấn và thành phố. Đối với các tàu phải dừng đỗ do lũ chia cắt tại tỉnh Quảng Bình, ngành đường sắt đã hỗ trợ suất ăn miễn phí cho hành khách.

DƯƠNG QUANG - NG.HỮU

Tin cùng chuyên mục