Với tỷ lệ sít sao 50,3% người ủng hộ đề xuất của đảng cánh hữu Công dân Thụy Sĩ (SVP) chiếm đa số tại Quốc hội, Thụy Sĩ sắp tới sẽ đưa ra giới hạn người nhập cư đến sống và làm việc tại nước mình mỗi năm. Nước này đã ký một hiệp ước với EU về tự do đi lại cho công dân vào năm 1999, có hiệu lực từ năm 2002. Việc thực thi đề xuất trên buộc Thụy Sĩ phải xem xét lại các thỏa thuận về nhập cư trước đó với EU.
Chính phủ Thụy Sĩ quyết định đặt ưu tiên lợi ích dân sinh lên trên cả mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu với kết quả không quá cách biệt còn phản ánh sự chia rẽ trong chính người dân Thụy Sĩ. Những người phản đối đề xuất lấy lý do nền kinh tế nước này phụ thuộc phần lớn vào người nhập cư năng động. Họ không muốn giới hạn nhập cư gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Financial Express có bài viết “Thụy Sĩ chia rẽ vì người nhập cư” đã phân tích chi tiết về thế “tiến thoái lưỡng nan” của Thụy Sĩ.
SVP cho rằng Thụy Sĩ không kiểm soát được lượng người nhập cư, tác động nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội. Tốc độ tăng lao động nhập cư ngày càng cao, trung bình mỗi năm tăng từ 60.000 người lên 80.000 người. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh việc làm với người dân địa phương. Ngoài ra còn kéo theo giá nhân công lao động, giá đất, tình trạng tội phạm gia tăng, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, giáo dục và vận tải công cộng. Trong khi đó, đại diện các ngành công nghiệp lớn tại Thụy Sĩ lập luận rằng việc thông qua dự luật trên là sai lầm lớn do nền kinh tế nước này phụ thuộc đáng kể vào lao động nhập cư. Việc áp đặt hạn ngạch nhập cư hàng năm sẽ tác động nghiêm trọng đến thị trường lao động, hạn chế khả năng thuê đội ngũ lao động có trình độ cao, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Cụ thể như các tập đoàn lớn của Thụy Sĩ như Novartis, Nestle… và Roche sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng.
Thụy Sĩ với mức sống cao, mức lương hấp dẫn, luôn nằm trong danh sách lựa chọn là nơi sống và làm việc của nhiều người nước ngoài. Trong số 8 triệu người sống ở Thụy Sĩ có 25% là người nước ngoài. Theo thống kê, 45% số lao động trong các ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm và công nghệ sinh học đến từ các nước EU và khoảng 40% lao động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn là người nước ngoài. 56% lượng hàng hóa xuất khẩu từ Thụy Sĩ là đến thị trường EU. Ngược lại, 80% hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Sĩ đến từ khu vực này. Như vậy, việc rạn nứt quan hệ kinh tế nếu có không chỉ ảnh hưởng xấu đến Thụy Sĩ như cảnh báo của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Viviane Reding.
Cựu phóng viên James Breiding của tờ Economist trong loạt bài viết có tên “Được tạo ra ở Thụy Sĩ: Chuyện chưa từng được kể về những thành công vượt bậc của Thụy Sĩ” đã đề cập đến những nguyên nhân đưa Thụy Sĩ trở thành “miền đất mơ ước”. “Kim chỉ nam” phát triển của quốc gia này là: Chính phủ Thụy Sĩ luôn đứng về phe thiểu số, kết cấu liên bang mang tính phân quyền cao, tôn trọng ý thức chủ quyền của cá nhân mà biểu hiện rõ nhất là phổ biến trưng cầu dân ý. Việc Thụy Sĩ tôn trọng ý nguyện của người dân là biểu hiện của sự tôn trọng khế ước xã hội, nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia. Nó thể hiện đúng thái độ của Thụy Sĩ từ trước đến nay: không vì chạy đua phát triển kinh tế mà làm mất cân bằng xã hội.
NHƯ QUỲNH