Cơ cấu dân số nước ta đang ngày càng mất cân bằng với những diễn biến phức tạp. Ngày càng có nhiều gia đình khá giả, có trình độ học vấn cao và địa vị xã hội đang cố tìm mọi cách để sinh được con trai. Thực trạng này đang khiến cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh, lan rộng với rất nhiều hệ lụy khôn lường không chỉ trong tương lai mà ngay trước mắt…
Cấm mặc cấm
Mặc dù cơ quan chức năng và quy định pháp luật cấm tuyệt đối các cơ sở y tế, phòng khám sản khoa thực hiện các biện pháp can thiệp, lựa chọn giới tính thai nhi hay công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, nhưng thực tế cho thấy quy định trên chẳng lúc nào được thực hiện nghiêm túc...
Tối muộn tại phòng khám sản khoa trên phố Thái Thịnh vẫn đông nghịt thai phụ tới khám. Cầm chiếc đĩa CD ghi lại kết quả siêu âm thai nhi ra khỏi phòng khám, chị Minh ở khu Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) mừng rỡ khoe với chồng đang căng thẳng chờ đợi “Bác sĩ chúc mừng vợ chồng mình vì giống bố rồi…”.
Ngồi cạnh bên cạnh vợ chồng chị Minh là một cặp vợ chồng còn khá trẻ, người vợ chia sẻ: “Chồng em là độc đinh trong họ nên nặng nề lắm, bắt buộc phải có con trai. Vì thế, dù đây là lần sinh đầu nhưng để chắc ăn có “thằng nối dõi”, vợ chồng em vẫn cứ phải nhờ bác sĩ giúp đỡ việc canh trứng, chọn ngày thụ thai cho yên tâm”.
BS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Năm nay là Nhâm Thìn được nhiều người quan niệm là năm đẹp nên không ít gia đình đưa nhau sinh nở để ra được “rồng con”. Hiện nay, trung bình tại bệnh viện, mỗi ngày có đến 130 - 140 ca sinh nở, tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước. “Với tốc độ sinh đẻ như hiện nay, đến hết năm 2012, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ đón khoảng 26.000 ca sinh nở”, BS Quyết dự báo.
Sẽ dư thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lo ngại cho biết: Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta ở mức cao và mất cân bằng nghiêm trọng, với mức 112,3 bé trai/100 bé gái. Qua điều tra dân số có tới 45/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng, tập trung ở đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó nhiều địa phương có tỷ số giới tính khi sinh lên tới 120 - 130 bé trai/100 bé gái. Đáng lo hơn, ở nước ta, tỷ số giới tính khi sinh bị mất cân bằng và cao ngay từ lần sinh đầu tiên với nhiều gia đình, tăng dần và cao nhất ở lần sinh cuối. Ở lần sinh thứ ba trở lên, tỷ số này là 119,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Đặc biệt, mất cân bằng giới tính khi sinh lại đến từ những nơi có đời sống kinh tế phát triển, từ những gia đình khá giả và từ những người có trình độ học vấn cao. Qua điều tra cho thấy, ở nhóm gia đình nghèo, tỷ số giới tính khi sinh nằm ở mức bình thường (105 - 106/100) và nhỉnh hơn chút ít ở lần sinh thứ ba (108/100) nhưng ở các nhóm dân số (trung bình giàu và rất giàu) tỷ số này đã ở mức cao ngay từ lần sinh thứ nhất từ 111 - 112/100, còn nếu ở lần sinh thứ ba thì tỷ số này lên tới 133/100.
Nhiều chuyên gia về dân số nhận định, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh của nước ta có thể tăng lên 125 nam 100 nữ vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050. Như vậy, vào năm 2050 chúng ta dư thừa khoảng 12% nam giới dưới 50 tuổi. Lúc đó, toàn bộ cơ cấu dân số theo tuổi sẽ bị thay đổi, tình trạng thừa nam, thiếu nữ khi những đứa trẻ được sinh ra bởi lựa chọn giới tính khi bước vào tuổi kết hôn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và là tai họa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
Trong khi đó, TS Dương Quốc Trọng thẳng thắn chỉ rõ, với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, chỉ khoảng 15-20 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới, đi kèm với đó là các tệ nạn xã hội như: bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Một lượng lớn nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người trong số họ không thể kết hôn. Bên cạnh đó là việc gia tăng tuổi kết hôn của phụ nữ (độ tuổi này hiện nay là 22,8) đi liền với những thay đổi về kinh tế - xã hội và các luồng di cư càng trầm trọng hơn.
MINH KHANG