Cuối tháng 7-2014, giá lúa ĐBSCL tiếp tục tăng thêm. Đây là thời điểm nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu. Trái với những nhận định trước đó, giá lúa gạo khó tăng khi nhu cầu trên thế giới không tăng. Tuy nhiên, việc liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu gạo ở thị trường châu Á đã khiến thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam trở nên sôi động. Diễn biến của giá lúa, gạo tăng trong 2 tuần qua tạo nên những tác động trái chiều giữa nông dân và doanh nghiệp.
“Thương lái đến tận ruộng mua lúa với giá 106.000 đồng/giạ (tương đương 5.300 đồng/kg), mua tại ruộng. Gia đình tôi mừng lắm, dù năng suất lúa do mưa làm đổ ngã nên giảm chút đỉnh. Hơn một tháng trước, giá lúa chỉ khoảng 4.300 - 4.500 đồng/kg.
Mấy ngày qua nghe báo, đài thông tin Việt Nam trúng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu nên giá lúa tăng, nghe vậy ai cũng mừng” - nông dân Trần Văn Hết, ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết. Hiện nay, nhiều nông dân vẫn có nhu cầu bán lúa tươi tại ruộng để nhanh chóng trang trải nợ nần, tiền vật tư nông nghiệp, đồng thời chuẩn bị mua sắm tập vở, quần áo cho con vào năm học mới.
Có thể nói, thị trường lúa gạo hiện nay sôi động nhất ở các khu vực có giao thông thuận lợi gần các đô thị như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Trong đó, cảnh mua bán lúa gạo nguyên liệu sôi động cả trên đường bộ lẫn đường thủy. “Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay khá đa dạng. Một phần phải mua để cung ứng cho các hợp đồng vừa ký xuất khẩu ở khu vực châu Á, phần khác lại ngấm ngầm tranh mua để xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc” - một doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu gạo ở ĐBSCL nhận định.
Thực tế, lượng gạo xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm 2014 đến nay khó đánh giá hết. Và tác động của việc xuất khẩu này không lớn nên mặt bằng giá cả lúa gạo ở ĐBSCL theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Còn các chuyên gia thì cho rằng, có nhiều doanh nghiệp xen vào thị trường “dễ tính” này ẩn chứa nhiều rủi ro. Gần đây, giá lúa chỉ tăng nhanh trở lại khi có tác động mạnh từ các hợp đồng xuất khẩu mới ký hợp đồng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm 2014 đến nay đã xuất khẩu trên 3,34 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, diễn biến trong giới doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang có nhiều chiều khác nhau. Doanh nghiệp nào đang thiếu chân hàng dự trữ thì lo sốt vó và ngược lại. Cách đây khoảng 2 tháng, giá lúa ở ĐBSCL thấp, nhiều doanh nghiệp suy đoán giá lúa hè thu sẽ tiếp tục giảm nên người tiêu dùng chưa vội mua dự trữ. Những doanh nghiệp dạng này đang thiếu hàng và phải “tung” lực lượng ra để mua gạo nguyên liệu, cung ứng cho các đối tác theo hợp đồng.
Theo VFA, giá gạo Việt Nam cung ứng đi Philippines đã ký trước đó là 370 USD/tấn. Hiện nay, giá lúa gạo trong nước tăng lên, đẩy giá gạo xuất khẩu lên 385 - 390 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp nào không mua dự trữ trước đó có thể chịu lỗ 15 - 20 USD/tấn.
Nghịch lý
Hiện nay, giá lúa, gạo tăng trở lại nông dân như đang được hưởng lợi; tuy nhiên theo VFA, trong tuần qua, giá lúa khô tại các kho ở khu vực ĐBSCL dao động từ 5.750 - 5.850 đồng/kg (lúa thường); lúa dài khoảng 6.000 - 6.100 đồng/kg, tăng bình quân 300 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7-2014, và tăng 500 đồng/kg so với cách đây gần 2 tháng. Đáng chú ý, hiện nay nhu cầu gạo hạt dài tăng mạnh trong doanh nghiệp, nên giá gạo hạt dài tăng khoảng 700 đồng/kg so với cách đây 2 tháng.
Nhiều nông dân ở Long An, An Giang, Đồng Tháp đang chuẩn bị hoặc vừa thu hoạch lúa hè thu cho biết “trữ lúa để chờ giá lên”. Đây là những nông dân nắm bắt được thông tin từ các kênh truyền thông và khả năng của gia đình có dư giả, song số lượng này cũng không nhiều.
Câu chuyện “khan hiếm” gạo hạt dài đã được giới kinh doanh xuất khẩu gạo kinh nghiệm ở ĐBSCL phát hiện cách đây gần 1 tháng. Theo lý giải của họ, lý do dẫn đến mặt hàng gạo nguyên liệu bị hút hàng hiện nay là: lượng gạo mang tính chất “chân hàng dự trữ” từ năm 2013 chuyển sang năm 2014 gần như không có. Trong bối cảnh đó, nhu cầu gạo nguyên liệu xuất khẩu theo các hợp đồng xuất sang thị trường Philippines, Malaysia, châu Phi và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gia tăng.
“Theo tôi, một trong những lý do gạo trắng hạt dài “sốt” là do tỷ lệ trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao tăng đột biến. Không loại trừ khả năng tỷ lệ gạo thơm đã tăng lên 40% - 50% trên diện tích nông dân gieo trồng nhưng chúng ta chưa nắm được, nên dẫn đến sốt ở mặt hàng gạo trắng thông thường” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL nhận định. Đây là một “bất ngờ” mà ngành nông nghiệp ở ĐBSCL cần điều tra thống kê nắm lại cho chính xác.
Câu chuyện giá lúa tăng hiện nay đặt ra nhiều vấn đề. Điểm lại từ đầu năm 2014 đến nay giá lúa luôn ở mức thấp, đa số nông dân bán lúa trong vụ đông xuân; còn đầu vụ hè thu lời rất ít, thậm chí không ít hộ thua lỗ. Sản xuất lúa trong năm 2014, nông dân ĐBSCL đã đi “2/3” đoạn đường. Hiện còn khoảng 1/2 diện tích lúa hè thu chờ thu hoạch và vụ thu đông (lúa vụ 3, diện tích chỉ khoảng 1/3 so với vụ đông xuân và hè thu). Có thời điểm, VFA đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 xuống còn khoảng 6,5 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, giới thạo tin nhận định: Với đà xuất khẩu hiện nay, Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 7 triệu tấn trong năm 2014. Giá lúa, gạo tăng và đà tăng sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới! Nhưng nhìn lại, những lợi nhuận từ việc lúa, gạo tăng giá trong bối cảnh hiện tại có bao nhiêu nông dân được hưởng lợi? Đây là câu hỏi chua xót cho vựa lúa ĐBSCL.
Các doanh nghiệp đang tranh nhau mua lúa, gạo nguyên liệu cung ứng cho nhiều “đường” xuất khẩu. Còn lợi nhuận của nông dân teo tóp (và không ít doanh nghiệp cũng chung số phận)! Đây là bài toán đã được đặt ra trong nhiều năm qua, nhưng xem ra khó giải quyết được trước mắt khi mà doanh nghiệp còn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì”!?
CAO PHONG