Huy Cận

“Lửa thiêng” không tắt

“Lửa thiêng” không tắt

Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm

Gió trăng ơi! Nay còn nhớ chàng chăng?

Từ hồi trẻ, Huy Cận - như các nhà thơ lãng mạn hay viết về chủ đề cái chết. “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế…”, và Nhạc sầu là một kiệt tác, khi dịch ra tiếng Pháp, giới thiệu trên Europe, độc giả châu Âu đánh giá rất cao (theo Chế Lan Viên).

Bây giờ thì anh chết thật rồi! Vài ngày trước, theo con trai anh và bạn bè ở Hà Nội, vẫn còn hy vọng – nhưng thế là anh đã ra đi. Và một cây đại thụ nữa của văn chương – văn hóa Việt Nam đã ngã xuống.

“Lửa thiêng” không tắt ảnh 1
Nhà thơ Huy Cận thời “Lửa thiêng”. Ảnh: T.L.

Con nhà nghèo ở một làng quê sơn cước Hà Tĩnh, Huy Cận thường kể chuyện lúc nhỏ ở làng ông cỡi trâu, và có lần con trâu lồng lên chạy ra bờ sông, làm ông ngã suýt chết. Được một ông cậu nuôi cho ăn học, rồi vào Huế học tiếp Quốc học và bắt đầu làm thơ từ đấy.

Người ta không quên Tựu trường của ông thuở ấy mỗi mùa tựu trường: “Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn – Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát”. Ra Hà Nội học tiếp Đại học Canh Nông, và từ thời sinh viên đã tham gia cách mạng. Lửa thiêng và sau đó Vũ trụ ca… đã đưa Huy Cận lên hàng thi sĩ đầu đàn, có thể nói là số một của Thơ Mới. Nếu kể một người có thể sánh được với Huy Cận trong Thơ Mới thì chỉ có bạn ông – Xuân Diệu.

Nhưng tuy là bạn thân, thơ hai người khá khác nhau. Xuân Diệu “y phục tối tân”, “phương xa” (chữ Hoài Thanh) bao nhiêu, thì Huy Cận trầm buồn, suy tư, sâu lắng bấy nhiêu. Tràng giang đã được sửa qua 16 lần bản thảo (ông có sao cho tôi để nghiên cứu), và bản sao ban đầàu khác nhiều với bản hiện nay. Thơ Huy Cận là nỗi buồn muôn thuở của con người, nhưng cũng là nỗi buồn của thế hệ ông, thời mất nước.

Mất nước và yêu nước, yêu tha thiết quê hương, tiếng Việt. Cái mênh mang của sông nước trong Tràng giang: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót – Sông dài, trời rộng bến cô liêu…” có một cái gì rất xưa, rất cổ điển mà vẫn là Thơ mới. Ngô Tất Tố, Khái Hưng… đều khen bài ấy – theo lời Huy Cận kể – là có giọng Đường, hồn Đường, mà còn hay hơn thơ Đường! Còn “Sắc trời trôi nhạt dưới khe – Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng” theo lời Xuân Diệu, súc tích như một câu thơ Đường.

Năm 1945, trước Tổng khởi nghĩa, Huy Cận dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Ở đại hội, khi tiếp xúc với Bác Hồ, Bác Hồ hỏi Huy Cận “chú hoạt động gì, ở đâu?”. Huy Cận – mà ta nhớ lúc đó còn là thanh niên, chưa vợ, lễ phép thưa: “Thưa Cụ, cháu hoạt động trong phong trào sinh viên, trí thức”.

Bác Hồ khen, thì Huy Cận lại thưa: “Thưa Cụ, cháu cùng anh em cũng là noi theo các cụ, các bậc tiền bối mà hoạt động”, thì Cụ Hồ bảo, đại ý là hoạt động cách mạng không phân biệt già, trẻ, trước, sau, tất cả chỉ là vì đất nước. Từ lần gặp ấy, Huy Cận càng thêm phấn chấn và tín nhiệm: ông làm Bộ trưởng Canh Nông trong Chính phủ lâm thời của Cụ Hồ (có lẽ là bộ trưởng trẻ nhất), rồi được cử vào đoàn đi “tước” ấn kiếm Bảo Đại (trưởng đoàn là Nguyễn Lương Bằng và thành viên là Trần Huy Liệu và Huy Cận) – một câu chuyện lịch sử đã đi vào “huyền thoại”.

“Lửa thiêng” không tắt ảnh 2

Nhà thơ Huy Cận và các nữ nhà thơ tại TPHCM. Ảnh: A.D.

Huy Cận đứng trên lễ đài đã giơ cao chiếc ấn vàng của vua trước đồng bào dự mít tinh. Rồi Huy Cận được Bác cử làm thanh tra đặc biệt, cùng với cụ Bùi Bằng Đoàn đi kiểm tra các tỉnh, có quyền cách chức ngay nếu có sai phạm. Rồi làm nội chính, văn hóa (thứ trưởng), làm bộ trưởng đặc trách văn hóa, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật… Được các đời Tổng thống Pháp mời làm cố vấn Cộng đồng nói tiếng Pháp (Francophone) và được trọng đãi, tín nhiệm, đến nỗi J. Chirac trong một lá thư gởi cho ông gọi ông là “bậc thầy” (maitre) – trên các diễn đàn quốc tế. ông có công lớn góp phần làm sáng danh Việt Nam. Ông có công trong việc UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới – “người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

Hàm chức như thế là không thiếu, thậm chí, đối với nhà thơ thì “hơi dư”. Dù sao, trước sau ông vẫn trung thành, chung thủy với “Nàng Thơ”. Tết này, ông vẫn đăng thơ trên Sài Gòn Giải Phóng và các báo Tết khác, nhiều người khen thơ ông có tứ mới và trẻ trung, ông thích lắm.

Sau Trời mỗi ngày lại sáng (1958), là tập thơ đánh dấu sự trở lại của hồn thơ Huy Cận với cuộc đời mới, là hàng loạt tập thơ liên tiếp được khơi mạch từ chính dòng đời… Hồn thơ Huy Cận vẫn sâu đằm bắt rễ vào mạch ngầm văn hóa dân tộc, vào “hồn thiêng đất nước”… Các vị La hán chùa Tây Phương: với tất cả đau thương, bế tắc trong cuộc đời cũ: “Một câu hỏi lớn không lời đáp – Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” – Mạch thơ về thợ mỏ, về “anh Tài Lạc” công nhân – liệt sĩ, về vùng mỏ với “Con cá song lấp lánh đuốc đen hồng” đã gợi hứng cho Chế Lan Viên viết câu thơ cũng là “song tuyệt” với câu trên: “Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”.

Tập thơ được Huy Cận gởi tặng Bác Hồ và Bác đã đáp lại bằng bốn câu “tẩu bút”: “Cám ơn chú tặng Bác tập thơ – Bác đọc liền trong suốt mấy giờ – Bảo Bác phê bình, thật khó nhỉ? – Bài hay xen lẫn với bài vừa”. Chắc ít có ai được bác ưu ái đến như thế. Từ hồi còn ở Bắc Bộ phủ – Hà Nội trước chiến tranh, Huy Cận đã được Bác xem như con: Bác cho ngủ trưa chung giường, Bác gởi thư gọi Huy Cận đi công tác về, Bác bảo sao chú đi lâu, Bác mong chú về… Những thư này, bút tích này Huy Cận còn giữ cả, và đem “khoe” khi thân tình.

Huy Cận là một nhà văn hóa lớn. Rất thâm trầm. Hiểu biết rất rộng, đọc rất nhiều. Tích hợp được văn hóa Đông-Tây. Các diễn từ về văn hóa, về tiếng Pháp… được các Viện sĩ Hàn lâm Pháp đánh giá cao, khen ngợi. Đặc biệt yêu thích ca dao, truyện nôm, thơ cổ điển Việt Nam, thơ Đường. Ông kể: nhờ đọc những truyện nôm bình dân loại vài xu bán trong những hiệu nhỏ ở Hàng Gai, Hàng Bông (Hà Nội)… mà ông tiếp nhận văn hóa dân tộc và “rèn” hồn thơ Việt của mình. “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”, chữ “đùn” là học được trong câu thơ dịch Thu hứng của Đỗ Phủ: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Quả là: “Nằm trong tiếng Việt yêu thương – Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”, tiếng Việt thấm thía trong từng chữ!

Chính vì lòng yêu đó, và uy tín của ông đối với trong nước, đối với thế giới, mà khi thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa dân tộc cách đây hơn 10 năm, ông và tôi, hai anh em thân thiết và chí cốt việc này, đã lên lên xuống xuống, bàn qua tính lại, mới ra được cái trung tâm. Ông đặt tên là Quốc học, nói: người ta ở ngoài nước nói nghiên cứu Việt học, mình ở trong nước gọi là Quốc học. Thế là thành danh.

Từ đó đến nay, lúc còn là Chủ tịch Liên hiệp, lúc làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm, ông là người phụ trách, người thủ trưởng, người thầy, người anh thân thiết với chúng tôi. Gần ông, cũng như anh Nguyễn Đình Thi, được ông chỉ giáo, rèn luyện, học thêm nhiều. Gần ông, tôi thấy ông là người trung hậu, giản dị, chân thành, đôi lúc có một chút hồn nhiên của trẻ thơ.

Nhưng bao giờ cũng chắc chắn, cẩn trọng, điềm tĩnh. Bao giờ, đối với tôi ông cũng gọi trong thư “Mai Liên thân yêu”, và vào Nam, đi đâu, ông cũng gọi đi kèm. Trời cho ông sức bền, thành đạt, tài năng, nhưng cuộc đời ai cũng vậy, không phải mọi việc đều hạnh phúc… Ông mất đi, trong cảnh thanh bần của một nhà thơ, dù hàm chức và vinh quang không thiếu… Và ngàn năm sau, người ta sẽ còn nhắc, còn đọc thơ “chàng Huy Cận”.

20-2-2005

Mai Quốc Liên

Tin cùng chuyên mục