(SGGPO).- Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa thu đông sớm trong điều kiện bất lợi, khi mưa xuất hiện nhiều nơi làm cho một số diện tích lúa bị đổ ngã, gây thất thoát; đáng lo hơn là giá lúa sụt giảm, cộng với thất mùa khiến nông dân thiệt trăm bề.
Chiều 9-9, ông Nguyễn Văn Nam, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) cho biết: “Nếu như các năm trước năng suất lúa thu đông đạt từ 800 kg/công trở lên, thì vụ này chỉ đạt bình quân 600 kg/công, giảm khoảng 200 kg/công. Nguyên nhân là do chuột cắn phá, sâu bệnh xuất hiện nhiều, cộng với 5 năm gần đây lũ nhỏ thiếu phù sa bồi đắp cho đồng ruộng… vì vậy lúa bị mất mùa là chuyện hiển nhiên”.
Nông dân ĐBSCL lo lắng vì lúa thu đông bị sâu bệnh làm cháy lá gây thất mùa, mất giá. Ảnh: Huỳnh Lợi
Tại Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang nhiều nông dân cũng kêu than vì lúa thu đông giảm năng suất. Ông Lê Văn Xuân, canh tác 15 công lúa ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) than thở: “Vụ hè thu rồi giá lúa giảm mạnh chỉ còn 4.000 đồng/kg nên nông dân chẳng được gì. Do đó, ai cũng hy vọng vụ lúa thu đông này để gỡ lại. Không ngờ hiện nay tới thời điểm thu hoạch lúa thu đông sớm thì bị thất mùa, năng suất bình quân chỉ có 600- 650 kg/công. Đáng lo hơn là giá lúa tươi loại thường sụt chỉ còn 3.900- 4.000 đồng/kg; lúa tươi hạt dài 4.200- 4.400 đồng/kg…tính ra nông dân chỉ hòa vốn, bởi chi phí đầu tư vụ này khá cao; riêng những hộ thuê đất thì cầm chắc lỗ vốn”.
Theo Bộ NN-PTNT, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ hơn 650.000 ha/867.000 ha lúa thu đông, hiện một số nơi tiếp tục xuống giống. Riêng những vùng xuống giống lúa thu đông sớm thì đang thu hoạch hơn 20.000 ha… Trước đó, Bộ NN-PTNT chủ trương khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL xem xét mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông trong năm 2016, nhằm bù đắp lại sản lượng lúa hồi đầu năm bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
HUỲNH LỢI