
Nông dân ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu lại bị thiệt hại rất lớn từ đợt mưa dầm liên tục nhiều ngày qua. Lúa ngã đỗ, ngập nước hàng loạt, giá công cắt lúa tăng chóng mặt, thiếu sân phơi, lò sấy dẫn đến lúa bị lên mộng, rớt giá… Nỗi lo thua lỗ lại đang đè nặng tâm lý nhiều nông dân sau 3 tháng làm quần quật trên đồng.
Giá công cắt lúa leo thang
Sáng 22-7, mặc dù trời tiếp tục mưa dầm, nhưng trên đồng nông dân vẫn gấp rút thu hoạch lúa hè thu đang chín rộ, nhiều diện tích bị ngã đổ, nước ngập. Trong khi lượng máy gặt đập tại ĐBSCL đáp ứng chưa tới 15% so với diện tích gieo xạ (hơn 1,6 triệu ha) nên nhu cầu nhân công cắt lúa của nông dân rất lớn, nhất là lúa bị ngập, ngã đổ.
Giá công cắt lúa nhanh chóng tăng vùn vụt nhưng mướn không có người làm. Trong vòng 1 tuần qua, giá công cắt lúa tại tăng từ 120.000-130.000 đồng/công lên 160.000-180.000 đồng/công (lúa đứng), lúa ngã đổ, ngập nước tùy mức độ mà có giá 190.000-270.000 đồng/kg…
Nông dân Nguyễn Văn Hai ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nói: “Tuần rồi, đồng lúa 2 ha nhà tôi vừa chín, chưa kịp thu hoạch thì bị mưa dầm. Sáng nay tôi mới thuê được 10 thợ gặt lúa với giá tăng từ 120.000 đồng lên 250.000 đồng/công vì đa số diện tích bị ngập, ngã đổ”.
Trong khi đó, anh Võ Thanh Sơn ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đang lo “méo mặt” vì hơn 40 công lúa bị đợt mưa dầm và gió xoáy làm ngã rạp xuống mặt ruộng nước ngập. Mấy ngày qua, anh Sơn “chạy đôn chạy đáo” thuê công cắt lên tới 270.000 đồng/công (1.000m²).

Nông dân phơi lúa ướt.
Lúa tươi lên mộng
Mấy ngày qua, nhiều nông nông dân vừa thu hoạch lúa xong cũng “đứng ngồi không yên” vì mưa dầm, không có nơi phơi lúa. Nếu để lúa ẩm ướt lâu ngày sẽ bị chuyển màu, rớt phẩm cấp, rớt giá, thương lái chê, nguy cơ thua lỗ rất lớn. Tuy nhiên nỗi lo lớn nhất là lúa hàng hóa bị lên mộng chỉ còn cách bán làm gạo tấm, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm…
Trên hầu khắp các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, quốc lộ ở ĐBSCL, cảnh người dân phủ bạc ni lông che mưa cho những đống lúa (vừa thu hoạch) để ngay trước sân, trên đường diễn ra tràn lan.
Sáng 22-7, suốt tuyến quốc lộ 30 từ ngoại ô thành phố Cao Lãnh đến huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vì thiếu sân phơi, người dân chất lúa hàng km trên mặt đường. Tranh thủ những lúc trời nắng, người dân kéo bạc cào lúa ra phơi từ lề ra gần đến tim đường…
Những hộ làm lúa diện tích lớn nhưng không có sân phơi thì càng vất vả hơn. Tại sân phơi của chợ Trung tâm nông sản Thành Bình, tỉnh Đồng Tháp sáng 22-7 dù mưa nhưng vẫn có khoảng 400 tấn lúa của dân được “tập kết” tranh thủ có nắng lúc nào phơi lúc đó.
Ông Phan Văn Hậu ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình tốn 3 triệu đồng thuê xe chở 15 tấn lúa ra đến chợ Trung tâm nông sản Thanh Bình phơi 4 ngày qua nhưng chưa bán được vì lúa không chịu khô và bị lên mộng. Ông Hậu than vãn: “Vì lượng lúa lớn nên mỗi ngày phải thuê thêm 5 người phụ với giá 100.000 đồng/ngày, bao cơm ngày 3 bữa. Mấy ngày nay giá lúa giảm còn 4.000-4.100 đồng/kg nhưng thương lái thương chê, chưa chịu mua. Nếu mưa thêm vài ngày nữa, lúa lên mộng đều trời thì nông dân lỗ thấu xương”.
Ít người chịu đầu tư lò sấy
Trong khi đó, số lượng lò sấy lúa ở ĐBSCL quá ít, không đáp ứng nhu cầu của nông dân. Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ở ĐBSCL, toàn vùng hiện có hơn 6.500 lò sấy các loại, công suất khoảng nhỏ, 4-8 tấn/mẻ, chỉ đáp ứng khoảng 30% sản lượng lúa hè thu. Giá công sấy lúa hiện đang tăng rất cao, từ 180.000-200.000 đồng/tấn. Tại các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang…, rất nhiều nông dân muốn được xấy lúa phải đăng ký, bắt số thứ tự trước từ vài ngày đến cả tháng.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 101.000/195.000ha lúa hè thu. Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ nhưng mưa dầm nhiều ngày qua làm cho lúa bị đỗ ngã, ngập nước dẫn đến tăng nhiều chi phí cắt, phơi, sấy và ảnh hưởng chất lượng lúa gạo, giá giảm. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 700 lò sấy lúa công suất chỉ khoảng 4-5 tấn/mẻ, không thể đáp ứng nhu cầu của nông dân. Xây dựng lò sấy lúa tốn chi phí cao nhưng chỉ phát huy tác dụng trong vụ hè thu nên ít người mạnh dạn đầu tư”.
BÌNH ĐẠI - HỒNG NGỰ