Lúa vụ thu - đông ở ĐBSCL đối mặt với nguy cơ lũ lớn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm nay vùng ĐBSCL sẽ sản xuất 832.000ha lúa vụ thu - đông (còn gọi là lúa vụ 3), tăng hơn 7.000ha so với năm 2016; năng suất ước đạt 55,9 tạ/ha, tăng 4,93 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng gần 450.000 tấn so với vụ thu - đông 2016.
Thu hoạch lúa tại Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG
Thu hoạch lúa tại Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG
Việc tăng diện tích lúa thu - đông, theo Cục Trồng trọt, là để bù đắp việc sụt giảm hơn 226.000 tấn lúa trong vụ đông - xuân vừa rồi. Nếu như cách đây 10 năm, chỉ có 5 tỉnh ở ĐBSCL sản xuất lúa vụ thu - đông thì hiện nay cả vùng đều làm lúa vụ này. Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, trước tình hình thời tiết và sâu bệnh có thể diễn biến bất thường, các tỉnh cần chủ động sắp xếp và chỉ đạo tuân thủ lịch thời vụ, bố trí cho từng tiểu vùng. Bên cạnh đó, cần theo dõi diễn biến của tình hình thời tiết, thủy văn để có những điều chỉnh hợp lý; rà soát lại hệ thống đê bao để đảm bảo sản xuất lúa vụ thu - đông; sử dụng giống chất lượng cao để phù hợp nhu cầu thị trường.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2017 dự báo lũ sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nên một số địa phương như vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên sẽ xuống giống vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Còn lại vùng thuộc sông Tiền, sông Hậu, không bị ảnh hưởng của ngập lũ sẽ xuống giống vào tháng 7 và tháng 8. Riêng đối với vùng ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu sẽ xuống giống đầu tháng 8.

Ngoài việc xuống giống theo lịch thời vụ và sử dụng giống chất lượng cao để phù hợp nhu cầu xuất khẩu thì các địa phương cần chủ động nắm tình hình sâu bệnh có thể bùng phát. Hiện nay, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang gây hại ở một số địa phương, nếu không chủ động phòng bệnh hiệu quả thì bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá quay lại và gây hại giống như 10 năm về trước. Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện nguyên tắc trên 2% diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cần phải tiêu hủy ngay.

Tin cùng chuyên mục