(SGGP).- Ngày 6-5, đồng chí Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cùng các thành viên trong đoàn đã có 2 buổi làm việc với Công an TPHCM và UBND quận Gò Vấp về tình hình thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM cho biết qua 3 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú (từ ngày 1-1-2010 đến ngày 31-12-2012) tại TPHCM, những vấn đề bức xúc của người dân về cư trú đã được giải quyết, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền, lợi ích theo pháp luật. Công an thành phố đã giải quyết đăng ký thường trú 135.260 hộ với 679.800 nhân khẩu, đăng ký tạm trú 645.529 hộ với 2.102.371 nhân khẩu, thông báo lưu trú 3.513.114 lượt, khai báo tạm vắng 12.094 lượt.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Cư trú cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý. Cụ thể, Luật Cư trú không quy định diện tích tối thiểu bao nhiêu mét vuông/người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên phát sinh tình trạng chủ nhà cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào nhưng thực tế họ không cư trú tại đây. Ngoài ra, khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên đã hạn chế quyền lợi của người dân. Bởi trên thực tế, nhiều người chuyển nhà trọ nhiều lần nhưng thời hạn tạm trú tại thành phố cộng lại đã hơn 1 năm. Nay họ có điều kiện mua được nhà, vậy mà phải đợi tạm trú liên tục tại căn nhà đó 1 năm mới được đăng ký thường trú là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại khi hộ khẩu là biện pháp quản lý về cư trú của cơ quan Nhà nước nhưng thời gian qua lại bị biến tướng thành một loại “giấy phép” quan trọng trong việc xin định mức điện cho hộ gia đình, xin trường cho trẻ...
Ái Chân