Luật Đường sắt nên có quy định về tàu điện ngầm

Ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 3 của UBTVQH. Tại phiên họp này, UBTVQH đã nghe Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trình bày tờ trình về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Cùng ngày, UBTVQH đã nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.
Luật Đường sắt nên có quy định về tàu điện ngầm

Ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 3 của UBTVQH. Tại phiên họp này, UBTVQH đã nghe Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trình bày tờ trình về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Cùng ngày, UBTVQH đã nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Ảnh: TTXVN

Băn khoăn tính khả thi của đường sắt cao tốc

Qua thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, ủy ban thấy rằng “việc sửa đổi Luật Đường sắt là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn và nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ”. Trong số các vấn đề cụ thể, Ủy ban KHCN-MT đề nghị bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt;  nghiên cứu, bổ sung một số ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động đường sắt như quy hoạch, cấp riêng dải tần vô tuyến điện, quỹ số điện thoại phục vụ điều hành chạy tàu, nhất là trong trường hợp phục vụ phòng chống lụt bão, khắc phục sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ...

“Dự thảo luật cần phải thể hiện rõ nội dung về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt, đồng thời bổ sung việc xây dựng nhà ga đường sắt, đặc biệt là các ga trung chuyển để thực sự trở thành đầu mối vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa và hành khách”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh. Về kinh doanh đường sắt, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo luật về việc cần tách bạch rõ hơn giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; khuyến khích sự tham gia đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; bảo đảm có các chế tài kinh doanh đường sắt phù hợp với quy định của pháp luật về cạnh tranh…

Góp ý vào dự thảo luật, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý đất đai, đảm bảo hành lang an toàn đường sắt, khắc phục tình trạng lấn chiếm áp sát đường tàu. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh yêu cầu làm rõ hiệu quả của việc bỏ ra chi phí rất lớn chỉ để khôi phục thị phần rất thấp của ngành đường sắt hiện nay lên chưa bằng mức của năm 2008 (năm 2020 dự kiến vận tải đường sắt chiếm 1% thị phần, trong khi năm 2008 thị phần đường sắt đã là 1,3%).

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tỏ ra rất băn khoăn về kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc - vốn đã bị Quốc hội bỏ phiếu chưa thông qua vào năm 2010; trong khi hệ thống tàu điện ngầm (đã được khởi công xây dựng) thì lại chưa được quy định trong dự thảo luật... Thừa nhận những yếu kém của ngành đường sắt thời gian qua, thể hiện rõ nhất qua việc thị phần vận tải đường sắt liên tục giảm, đặc biệt từ 2008 đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GTVT cập nhật nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao, phấn đấu đến năm 2018 sẽ trình Chính phủ để thẩm định; hy vọng có thể được Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương vào năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng bình luận: “Phải làm rõ nguyên nhân tụt hậu của ngành đường sắt ở đâu để có cơ chế đủ mạnh “vực dậy” ngành này. Là do luật bất cập hay do triển khai thi hành luật chưa tốt? Trong luật đã dành một chương nói về đường sắt tốc độ cao, nhưng còn chung chung. Luật nên có tầm nhìn xa hơn về tương lai phát triển, vậy thì cần quy định cả về tàu điện ngầm nữa”.

Cân nhắc về phí dịch vụ  thủy lợi

Tại phiên họp về dự án Luật Thủy lợi, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu các quy định của dự án Luật Thủy lợi với các luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Đê điều, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đầu tư công… để bảo đảm tính thống nhất cũng như khả thi của các điều luật.

Nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định mới trong dự thảo luật về giá dịch vụ thủy lợi. Trong khi cơ quan soạn thảo cho rằng, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, giúp người sử dụng dịch vụ (nước từ công trình thủy lợi) hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi lĩnh vực thủy lợi là một loại dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần sử dụng nước tiết kiệm… thì Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng.

“Nếu quy định này được chấp thuận thì lời giải cho bài toán cân đối giá dịch vụ sẽ như thế nào? Ban soạn thảo đã tính tới quan điểm của người dân, đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của điều luật, khi chuyển từ “phục vụ” sang “dịch vụ” đối với công tác thủy lợi hay chưa?”, bà Thúy Anh băn khoăn.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ về giá dịch vụ thủy lợi. Theo ông, đây không đơn giản chỉ là sự thay đổi từ ngữ, cách gọi từ “phí” sang “giá” mà thực sự là một cuộc cách mạng về nhận thức ở nông thôn. Theo ông, Luật Thủy lợi khi ban hành phải thực sự giúp ích cho người dân, chứ không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước hay thu tiền về cho ngân sách.

 Đã có 4.300 “lối đi dân sinh” tự phát

Qua thẩm tra dự án Luật Đường sắt sửa đổi, các thành viên Ủy ban KHCN-MT đề nghị bỏ khoản 11, Điều 3 quy định về “lối đi dân sinh”,  vì đây là lối đi tự phát, là nguyên nhân chính gây mất an toàn giao thông đường sắt. Quy định vào luật như vậy có thể bị hiểu là mặc nhiên thừa nhận loại lối đi này trong luật, trong bối cảnh số lượng lối đi dân sinh hiện nay khoảng 4.300 lối, tăng thêm khoảng 440 lối so với năm 2005 và có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

(Trích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN-MT tại phiên họp chiều 12-9)


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục