Luật hóa quy định về việc lắng nghe dân

Đảng nhận trọng trách lãnh đạo dân tộc. Vì vậy, muốn lãnh đạo được, lãnh đạo thắng lợi, Đảng và đảng viên phải sống thật sự trong dân, lắng nghe dân để biết dân muốn gì, ghét gì, yêu cầu tổ chức và người lãnh đạo mình phải như thế nào, đạo đức, phẩm chất và năng lực phải ra sao, thế nào…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri quận Gò Vấp về công tác cán bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri quận Gò Vấp về công tác cán bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG

1. Là Đảng duy nhất cầm quyền nên đội ngũ cán bộ, đảng viên rất dễ nảy sinh thói cửa quyền, kiêu ngạo, dẫn đến những trì trệ trong công tác, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí sai lầm, không phát huy, mở rộng được dân chủ, không lắng nghe phản ánh của nhân dân, không tiếp thu ý kiến phản biện của nhân dân.

Lắng nghe - một kỹ năng tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng làm được. Thực tế không ít người, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện chủ quan, duy ý chí, phớt lờ trước những đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, của người dân; cực đoan, bảo thủ không chịu lắng nghe cả những lời nói phải, đánh mất đi sự sáng suốt cần thiết.

Nhà cách mạng kiệt xuất V.I.Lênin ngay từ những ngày đầu trên cương vị lãnh đạo chính quyền cách mạng non trẻ đã cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm của những người cộng sản có liên quan đến việc lắng nghe. Đó là căn bệnh kiêu ngạo cộng sản. Bệnh kiêu ngạo cộng sản làm cán bộ quan liêu, không chịu lắng nghe, dẫn đến ấu trĩ tả khuynh.

Muốn đẩy lùi được tình trạng suy thoái, tiêu cực trong Đảng, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, cả về giáo dục, rèn luyện, quản lý; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, cơ chế, luật pháp của Nhà nước; sự giám sát, giúp đỡ, lắng nghe góp ý của nhân dân và phát huy tính tự giác, trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.

2. Trước thềm đại hội Đảng  các cấp, ngoài công việc quan trọng là xây dựng nghị quyết và chương trình hành động, còn một việc không kém phần quan trọng là bầu chọn cấp ủy đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo thực hiện nghị quyết. Sự giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ, lựa chọn nhân sự cho cấp ủy là hết sức cần thiết. Việc làm này trước nay cũng đã được tiến hành thông qua việc lấy ý kiến nhân dân ở nơi cư trú; lấy ý kiến ở cơ quan, đơn vị nơi cán bộ làm việc và thông qua các kênh thông tin, phản ánh, tiếp xúc, đối thoại…

Tuy nhiên, việc tiếp dân và lắng nghe ý kiến góp ý của dân cũng chưa được thường xuyên. Nhiều trường hợp công việc này còn quá hình thức, làm lấy có cho đúng quy trình. Thực tế, lâu nay, trong công tác cán bộ tại một số vị trí cũng có lấy ý kiến của đảng viên, cán bộ hưu trí và người dân ở địa phương, thông qua các cuộc họp chi bộ, khu phố hoặc tổ dân phố. Song, việc lấy ý kiến còn sơ sài, hình thức. 

Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra, việc không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác bắt nguồn từ sự duy ý chí, bảo thủ. Biểu hiện của người không biết lắng nghe, như các nhà tâm lý học chỉ ra không chỉ ở chỗ ít ghi nhận, tiếp thu ý kiến người khác mà còn thể hiện ở thái độ bàng quan, vô cảm, thiếu thân thiện, luôn áp đặt ý kiến cá nhân mình, luôn phê bình, bác bỏ ý kiến người khác, nhất là những ý kiến phản biện khó nghe. Biểu hiện xấu hơn của căn bệnh không biết lắng nghe dẫn đến quan liêu, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cấp dưới và của nhân dân. Từ đó, dẫn đến xa dân, trở thành những ông “quan cách mạng” như Bác Hồ từng cảnh báo.

3. Tổ chức Đảng và đảng viên phải biết nghe dân nói và nói cho dân nghe. Muốn vậy cũng cần phải có cơ chế để luật hóa những quy định về việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác đối với cán bộ, đảng viên. Khi có luật rồi, áp dụng phải thật nghiêm, nâng cao trách nhiệm hoạt động thanh tra, giám sát.

Trên thực tế đã có một số mô hình, cách làm hiệu quả cần được nhân rộng và phát huy, như các kênh thông tin “Lắng nghe và trao đổi”, truyền thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền thành phố”; “Dân chấm điểm cơ quan công quyền”; đường dây nóng, cổng thông tin điện tử giải quyết kiến nghị của nhân dân, camera công vụ…

Song, việc xây dựng cơ chế thật sự hiệu quả để người dân góp ý, hiến kế cũng như bày tỏ các bức xúc, thắc mắc và tham gia giám sát là rất cần thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, lắng nghe quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”, vì “trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”. Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình. Cho nên, muốn lãnh đạo được, lãnh đạo thắng lợi, Đảng và đảng viên phải biết lắng nghe dân.

Tin cùng chuyên mục