Theo quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2004, năm 2005 (viết tắt Luật KN-TC), trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại (KN) lần hai, người KN có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan công quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức đã không được thực hiện quyền của mình.
“Cổng” tòa không mở
Khi chợ phường Cầu Kho (chợ Nancy) bị giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng cầu, đường Nguyễn Văn Cừ, bà Ngô Mỹ Ngọc (ngụ 24/2A Nguyễn Văn Cừ phường Cầu Kho quận 1) là một trong những tiểu thương kinh doanh ở chợ bị ảnh hưởng.
Theo Quyết định (QĐ) số 528/QĐ-UBND ngày 19-3-2009 của UBND quận 1, hai sạp hàng số 40B và 41B của bà được hỗ trợ di dời với số tiền 42 triệu đồng. Cho rằng khoản tiền này quá thấp, bà Ngọc làm đơn KN, yêu cầu Nhà nước và chủ đầu tư phải bồi thường cho bà tổng số tiền 1,4 tỷ đồng.
Vụ việc của bà được giải quyết KN lần đầu bằng QĐ số 1855/QĐ-UBND ngày 13-7-2009 của UBND quận 1 và được giải quyết KN lần hai bằng QĐ số 5482/QĐ-UBND ngày 30-11-2009 của UBND TPHCM. Cả hai QĐ trên đều không chấp thuận yêu cầu bồi thường 1,4 tỷ đồng của bà. Sau đó, bà làm đơn khởi kiện vụ án hành chính ra TAND TPHCM, đề nghị tòa án hủy bỏ QĐ số 5482/QĐ-UBND của UBND TPHCM.
Thế nhưng, vào ngày 24-12-2009, tòa án ra thông báo trả đơn khởi kiện với lý do: “QĐ số 5482/QĐ-UBND là QĐ giải quyết KN lần hai nên vụ kiện của bà không là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”!
Bà Nguyễn Ngọc Rớt (ngụ 190/23 đường Xóm Đất phường 10 quận 11) cũng bị tòa án từ chối thụ lý đơn kiện tương tự trường hợp của bà Ngọc. Năm 2006, khi bị Nhà nước giải tỏa mảnh đất có diện tích 365m² ở thị trấn Tân Túc huyện Bình Chánh để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính huyện, bà chỉ được bồi thường hơn 92 triệu đồng.
Trong khi đó, vào năm 2002, bà đã phải bỏ ra 200 triệu đồng – tương đương 42 lượng vàng SJC – để mua mảnh đất này. Do vậy, bà làm đơn KN, yêu cầu được nâng giá đền bù, được giải quyết mua một nền nhà theo giá quy định của Nhà nước hoặc được giải quyết bố trí tái định cư.
Ngày 3-1-2007, UBND huyện Bình Chánh ra QĐ số 17/QĐ-UBND giải quyết KN lần đầu. Ngày 12-9-2007, UBND TPHCM ra QĐ số 4118/QĐ-UBND giải quyết KN lần hai. Vì 2 QĐ này đều bác nội dung KN nên bà Rớt gửi đơn khởi kiện đến TAND TPHCM. Với cùng lý do vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết, ngày 22-10-2007 tòa án ra thông báo trả đơn khởi kiện.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Những vụ việc bị tòa án từ chối thụ lý như trên không phải là ít. Tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp cuối tháng 4-2010 vừa qua, báo cáo về thực trạng KN hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn TPHCM, Phó Chánh Thường trực Thanh tra TPHCM Hoàng Đức Long cho biết: “Trong 3 năm 2007, 2008, 2009 UBND TPHCM ban hành 737 QĐ giải quyết KN lần hai liên quan đến lĩnh vực đất đai. Không đồng ý với QĐ giải quyết KN lần hai, đương sự trong 288 trường hợp khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên, những trường hợp này không được tòa án thụ lý”.
Lý do là theo quy định của Luật KN-TC, sau khi có QĐ giải quyết KN lần hai, người KN vẫn có quyền khởi kiện ra tòa án. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đất đai và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, người KN chỉ có quyền khởi kiện ra tòa án trong trường hợp chưa KN lần hai lên cơ quan hành chính cấp trên.
Sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật này đã khiến 288 trường hợp khởi kiện QĐ giải quyết KN lần hai ở TPHCM (tính chung cả nước là gần 2.000 trường hợp) bị “treo” nhiều năm qua.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tư pháp đang xây dựng “Nghị quyết giải thích việc KN, khởi kiện và việc giải quyết KN, khởi kiện về đất đai quy định tại Luật KN-TC, Luật Đất đai và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính” trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ: Người KN QĐ hành chính về quản lý đất đai đã được chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết KN lần đầu và được chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết KN lần hai mà không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án để được giải quyết; phạm vi khởi kiện là nội dung của QĐ giải quyết KN lần hai.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhiều ý kiến đóng góp dự thảo cho rằng thời hiệu không nên tính từ ngày nghị quyết được ban hành mà nên lấy thời điểm từ ngày 1-6-2006 (ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KN-TC năm 2005 có hiệu lực thi hành), như vậy mới công bằng với những trường hợp đang bị “treo” nhiều năm qua.
Đình Trữ - Thục Hân