Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi):
(SGGPO).- Sáng 14-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đây là dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.
Tại phiên họp, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật trình bày: sau 12 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội còn chung chung, trùng lắp hoặc chưa thống nhất với các luật khác; Luật chưa có sự phân cấp, phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, giữa các Ủy ban của Quốc hội với nhau, giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan khác của Nhà nước nên dẫn đến sự chồng chéo trong thực hiện.
Nhiều quy định chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp. Số lượng, cơ cấu tổ chức của Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội hiện nay chưa đáp ứng được sự gia tăng về khối lượng công việc và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tuy đã được tăng lên, nhưng cơ chế làm việc cũng như các điều kiện bảo đảm chưa rõ ràng và tương xứng…
Về phạm vi sửa đổi, dự thảo thể hiện theo hướng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh về cơ cấu, bố cục, phạm vi điều chỉnh của Luật; pháp điển hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thuận tiện cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện các quy định này.
Theo đó, sẽ nghiên cứu sửa đổi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội vào Luật tổ chức Quốc hội. Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ quy định trong các văn bản khác.
“Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5-2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vậy trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không?”, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề.
Liên quan đến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ông Phan Trung Lý nhận định, với số lượng 10 cơ quan như hiện nay, Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban của Quốc hội đang thực hiện các nhiệm vụ thẩm tra, giám sát liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Công việc của một số Ủy ban hiện đang ở mức độ quá tải.
Tuy nhiên, theo kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) thì trước mắt, giữ ổn định Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; chỉ nghiên cứu bổ sung thêm thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, điều chỉnh số lượng lãnh đạo cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan.
Do vậy, tạm thời chưa đặt vấn đề xem xét việc chia tách một số Ủy ban hiện có như đề nghị của các cơ quan này.
ANH PHƯƠNG