(SGGPO).- Dự án Luật về Hội đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa ủy quyền Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 15-10.
Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Luật không áp dụng đối với các hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, đồng hương, dòng họ…) vì các hội này không có điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận (hoặc có điều lệ nhưng không đủ điều kiện được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật này), hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện theo pháp luật của hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có quy định mang tính nguyên tắc đối với hội không có tư cách pháp nhân để đảm bảo quyền lập hội của công dân.
Về việc người nước ngoài đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội, Chính phủ đề nghị: người nước ngoài đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định việc tham gia hội của người nước ngoài trong Dự thảo Luật.
Về chính sách đối với hội, Chính phủ đề nghị quy định trong dự thảo Luật theo hướng các hội do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập và đã được cấp kinh phí hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí cho hội tương ứng với nhiệm vụ được giao để phù hợp với nguyên tắc tự quản, tự chủ về kinh phí của hội.
Về công nhận người đại diện theo pháp luật của hội, Chính phủ đề nghị cần có quy định về vấn đề này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội. Ý kiến khác đề nghị không quy định về công nhận người đại diện theo pháp luật của hội nhằm bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội.
Quan tâm đến khía cạnh về quản lý tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ nội hàm quy định “Hội hoạt động không vì mục đích lợi nhận, không được chia lợi nhuận” và cho rằng quy định như vậy là quá “chật hẹp”. “Một số hội, như các hội nghề nghiệp, hội của người khuyết tật… được thành lập để hỗ trợ nhau làm ăn kinh tế, cải thiện đời sống thì sao lại không được chia lợi nhuận?”, ông Hiển nêu vấn đề. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ủng hộ quan điểm này.
Vai trò quản lý nhà nước đối với các tổ chức phi chính phủ cũng như các “hội ngoài hội” (không được điều chỉnh tại luật này” là vấn đề được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lưu ý. Đây cũng là băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: “Tuy không đưa vào luật, nhưng Chính phủ cần có giải trình cụ thể là sẽ quản lý như thế nào với các tổ chức loại này”.
Yêu cầu xác định rõ đối tượng điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: “Với tên gọi Luật về hội phạm vi của luật này rất rộng. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc một số loại hội đã tồn tại rồi thì giải quyết ra sao? Đã quan tâm đến chưa? Các loại hội cũng có đặc thù và cơ cấu thành phần rất khác nhau, tổng hội, liên hiệp hội, liên đoàn… cần được quy định rõ.
Tính đến tháng 12-2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế, trong đó có 674 biên chế cho 28 hội đặc thù hoạt động phạm vi cả nước. Một số hội đã được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và 10 hội được thành lập đảng đoàn để lãnh đạo hoạt động; các hội còn lại được xác định là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nhân đạo. |
(Trích Tờ trình số: 502/TTr - CP tại phiên họp)
ANH PHƯƠNG