Lực lượng Hồi giáo chiến thắng sau “Mùa xuân Ảrập”

Từ Ai Cập đến Tunisia, Yemen, Libya...
Lực lượng Hồi giáo chiến thắng sau “Mùa xuân Ảrập”

Ngày 5-12, các điểm bỏ phiếu ở Ai Cập đã mở cửa trong cuộc bầu cử Hạ viện đợt 2. Trước đó, kết quả đợt 1 của cuộc bầu cử đầu tiên tại Ai Cập sau cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak đã ghi nhận chiến thắng thuộc về những ứng viên Hồi giáo. Dù muốn hay không, tư tưởng Hồi giáo sẽ ngự trị trong chính phủ mới sắp tới của Ai Cập.

Người dân Ai Cập xếp hàng đi bầu hạ viện.

Người dân Ai Cập xếp hàng đi bầu hạ viện.

Từ Ai Cập đến Tunisia, Yemen, Libya...

Các đảng Hồi giáo giành được ít nhất 65% phiếu bầu, trong đó đảng Tự do và công lý (FJP, cánh chính trị của đảng Anh em Hồi giáo) dẫn đầu với 36,6% và đảng theo Hồi giáo cực đoan Salafist Al-Nur về vị trí thứ hai với 24,4%. Sự trỗi dậy của đảng Salafist với chủ trương theo Hồi giáo chính thống kiểu của Saudi Arabia đã làm dấy lên lo ngại từ phía lực lượng dân chủ và cấp tiến. Đảng FJP mặc dù được dự báo là giành chiến thắng lớn do được tổ chức quy mô, chặt chẽ, giờ đây đã bị Salafist phá bĩnh. Chính Anh em Hồi giáo là đảng bị cấm hoạt động trong nhiều thập niên dưới thời Mubarak và họ là nhóm chủ chốt trong các cuộc biểu tình lật đổ ông Mubarak. Thế nhưng, giờ đây Anh em Hồi giáo chỉ chiếm đa số nhẹ ở thành phố Alexandria và giành đa số ở 2 tỉnh Kafr el-Sheikh và Damietta.

Kết quả đợt 1 bầu cử Quốc hội tại Ai Cập cũng tương tự kết quả bầu cử tại Tunisia, theo đó lực lượng Hồi giáo giành chiến thắng chứ không phải lực lượng tiến hành các cuộc nổi dậy. Sau cuộc tổng tuyển cử, đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda là đảng dẫn đầu tại Tunisia, trong khi đó, Morocco cũng đã có thủ tướng Hồi giáo đầu tiên, ông Abdelilah Benkirane. Yemen và Libya cũng khó mà thoát khỏi nền chính trị do người Hồi giáo nắm giữ.

Vấn đề là Hồi giáo nhưng theo xu hướng nào? Theo các nhà phân tích, một thể chế Hồi giáo phi bạo lực với một xã hội thân thiện dựa trên các nguyên tắc của Hồi giáo sẽ cho phép một số mặt tự do hơn nhưng nếu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thì vấn đề sẽ khác. Khi đó mạng lưới Al-Qaeda sẽ có ảnh hưởng nhất định và đó sẽ là bài toán hóc búa cho Mỹ và đặc biệt là Israel. Trong trường hợp Hồi giáo thế tục (tôn giáo và nhà nước được tách rời) kiểu Thổ Nhĩ Kỳ thì Mỹ có thể chấp nhận được.

Theo ông Shadi Hamid, chuyên gia tại Trung tâm Doha Brookings, Anh em Hồi giáo có thể tập trung vào các chính sách kinh tế và xã hội hơn là văn hóa tín ngưỡng. Ít ra là cho đến lúc này, FJP đã cam kết sẽ tìm kiếm một hiến pháp tôn trọng cả những người Hồi giáo và không Hồi giáo, đồng thời khẳng định sẽ không áp đặt luật Hồi giáo ở Ai Cập.

Lo ngại

Ngoài Mỹ, Israel - nước sống trong vòng vây của các nước Ảrập hết sức lo ngại về kết quả bầu cử tại các nước láng giềng, đặc biệt là Ai Cập. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak gọi kết quả bầu cử vòng 1 ở Ai Cập là “rất, rất nan giải”, ông lo ngại về hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979.

Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz nói: “Chúng tôi rất lo ngại” và hy vọng rằng Ai Cập sẽ không trở thành quốc gia Hồi giáo chính thống. Israel lo ngại chính sách của các đảng Hồi giáo sẽ xích lại gần hơn với Iran và Hezbollah cũng như Hamas của Palestine, đe dọa vị thế của Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4-12 nói: “Chúng tôi hy vọng bất kỳ chính phủ nào được thành lập ở Ai Cập sẽ nhìn nhận sự tồn tại của hiệp ước hòa bình”.

Thủ tướng Israel cũng đã ra lệnh tiếp tục xây dựng bức tường trên biên giới Ai Cập nhằm tránh các vụ xâm nhập của lực lượng chống Israel. Cựu đại sứ Israel tại Ai Cập Eli Shaked nói: “Những gì chúng tôi xảy ra tại Ai Cập và những nơi khác tại Trung Đông là một cơn sóng thần Hồi giáo mà Israel phải đối phó trong nhiều năm tới”.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục