Lực lượng vũ trang TPHCM viết tiếp truyền thống anh hùng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) TPHCM (4-9-1945 - 4-9-2015), Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM (ảnh), đã trao đổi về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT thành phố…
Lực lượng vũ trang TPHCM viết tiếp truyền thống anh hùng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) TPHCM (4-9-1945 - 4-9-2015), Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM (ảnh), đã trao đổi về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT thành phố…

- PV: Ngày 4-9-1945 là ngày ra đời của LLVT Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nay được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 công nhận là Ngày truyền thống của LLVT TPHCM. Sau chặng đường 70 năm qua, đến nay LLVT TP có bước chuyển mình như thế nào, thưa thiếu tướng?

>> Thiếu tướng NGUYỄN VĂN HƯNG: Khi mới được thành lập, LLVT Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chỉ có vũ khí thô sơ, tự tạo nhưng đã dũng cảm chiến đấu chống trả đội quân viễn chinh Pháp rất nhà nghề. Giai đoạn 1950 - 1954, các Trung đoàn Phạm Hồng Thái, Nguyễn An Ninh, Trung đoàn 300, 306, 308, 312 và Tiểu đoàn Quyết tử 950 đã lập nhiều thành tích trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước sang giai đoạn cùng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt,  LLVT TP đã trưởng thành vượt bậc, lập nên nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, LLVT TP đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực hình thành 5 mũi tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch, đánh chiếm các mục tiêu, mở đường, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực tiến công giải phóng Sài Gòn, ngoài ra còn hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng góp phần tích cực vào đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày 30-4-1975, LLVT TP bước sang giai đoạn cách mạng mới là thực hiện nhiệm vụ quân quản thành phố, khẩn trương ổn định tổ chức, biên chế mới, cùng các đơn vị, đoàn thể bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ duy trì trật tự an ninh, từng bước ổn định đời sống nhân dân, tổ chức đăng ký học tập cải tạo hàng vạn sĩ quan, binh lính và nhân viên ngụy quyền chế độ cũ, trấn áp bọn tội phạm và bọn phản động. Từ tháng 6-1975 đến tháng 5-1978, LLVT TP được tổ chức thành Bộ Tư lệnh TP Sài Gòn - Gia Định trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền, có nhiệm vụ và quyền hạn tương đương các Bộ Tư lệnh Quân khu khác, thực hiện ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất. Ngoài việc tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm để lại, LLVT TP còn tham gia bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc và một lần nữa những người con thân yêu của thành phố lại lên đường cùng các đơn vị tham gia chiến đấu. Qua đó, Trung đoàn Gia Định và các đơn vị của thành phố đã được Quân khu 7 đánh giá cao.

Các lực lượng vũ trang TPHCM tham gia diễn tập

Một sự kiện làm nức lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT TP là ngày 14-1-2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra quyết định đổi tên Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thành Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Quân khu 7. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng ra quyết định về việc trao Quân kỳ Quyết thắng cho Bộ Tư lệnh TPHCM. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT TP. Đặc biệt, ngày 28-4-2011, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký quyết định phong tặng lần 2 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho LLVT TP.

- Trong nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, LLVT TP hiện nay tập trung thực hiện những yêu cầu trọng tâm gì, thưa thiếu tướng?

TPHCM nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Nhận thức sâu sắc điều đó, LLVT TP thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, lập kế hoạch, phương án tác chiến, phòng thủ trong các tình huống. Hàng năm, LLVT TP tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ trên một số phương án và tình huống phòng thủ cấp thành phố, hoặc từng cụm quận huyện, phường - xã. Thông qua diễn tập, các kế hoạch và phương án không ngừng được củng cố sát hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu bảo vệ địa phương của từng cấp. Trình độ chỉ huy tác chiến, hiệp đồng trong khu vực phòng thủ của LLVT TP được nâng lên một bước, kết hợp với lực lượng cấp trên, công an, biên phòng và hệ thống chính trị ở cơ sở triển khai kế hoạch sẵn sàng chiến đấu; luôn nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy và chính quyền địa phương trong giải quyết các “điểm nóng”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh TP tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, cấp ủy cấp trên về thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng khu vực phòng thủ thành phố”, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Quân sự thành phố với các cơ quan, tổ chức có liên quan…

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục