Mức độ gây nghiện và tác hại của trò chơi trực tuyến (game online) không thua gì thuốc lá, bia, rượu, ma túy nên đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý, xử lý thật chặt và nghiêm. Trong khi đó, việc quản lý game online hiện nay lỏng lẻo và bất cập. Đây là nhận định của các đại biểu tại chương trình “Nói và làm” ngày 6-6.
Quản lý bị thả nổi?
“Tỷ lệ thanh thiếu niên, trong đó có học sinh nghiện game online khá đông. Kết quả khảo sát tại 100 điểm internet và 1.000 học sinh cho thấy: có đến 2/3 học sinh tiểu học và học sinh trung học nghiện game online”. Số liệu này được Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đưa ra tại chương trình.
Ngay lập tức, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM ý kiến: “Game online đang tác động mạnh mẽ đến các em học sinh, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh của các em. Chúng tôi vô cùng bức xúc về thực trạng này nhưng giải quyết nó không chỉ có nhà trường mà gia đình và xã hội phải cùng vào cuộc”.
Đại biểu Võ Văn Sen nói thêm: “Việc quản lý game online chưa chặt, có thể nói đang bị thả nổi. Nhiều điểm kinh doanh internet, các em học sinh chơi đến sáng. Vấn đề này là trách nhiệm của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM. Sở phải chủ động quản lý, chủ động thay đổi nội dung game online từ tiêu cực chuyển sang tích cực”.
Phó Giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Văn Long giải thích: “Tôi hết sức chia sẻ bức xúc của ngành giáo dục cũng như ý kiến của đồng chí Sen. Tuy nhiên, thời gian qua, không chỉ Sở TT-TT TPHCM mà cả Bộ TT-TT hết sức quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi biết, nhiều game online không chỉ có nội dung bạo lực, cờ bạc mà còn cả khiêu dâm. Tuy nhiên, việc thẩm tra nội dung game online là thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử Bộ TT-TT. Như vậy, theo chức năng đã được phân cấp, trách nhiệm này không phải của chúng tôi. Nhưng với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý”.
Vẫn chưa thỏa mãn, đại biểu Võ Văn Sen nói tiếp: “Đối với game online đang tác động tiêu cực đến hàng triệu người, tôi nghĩ Sở TT-TT phải có những kiến nghị đột phá trong quản lý”.
Ông Trần Vĩnh Sa, Phó phòng Thông tin - Điện tử Sở TT-TT, khẳng định: “Từ năm 2007 đến nay, Sở TT-TT đã liên tục có nhiều kiến nghị, đề xuất Bộ TT-TT liên quan đến công tác quản lý game online. Trong đó, ít nhất 5 lần chúng tôi kiến nghị bộ không cấp giấy phép 8 trò chơi có tính bạo lực. Đồng thời đánh giá tác động xã hội của trò chơi trực tuyến đang lưu hành. Trong thời gian chờ kết quả đánh giá tác động, sở đề nghị không cho phép ban hành trò chơi mới và cần có quy định hạn chế số lượng trò chơi mới sẽ được phát hành; dừng hoạt động của hệ thống trò chơi trực tuyến từ 23 giờ mỗi đêm đến 6 giờ sáng hôm sau".
Kiểm duyệt chặt chẽ từ nội dung game
Theo ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: “Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến online game do Bộ TT-TT soạn thảo lấy ý kiến rất cần thiết”. Tuy nhiên, tại khoản 7, điều 8 quy định: UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở TT-TT, chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở gồm: UBND xã, phường, thị trấn nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng cường thanh tra kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, cung cấp và sử sụng trò chơi trực tuyến… “Tôi nghĩ, quy định này cho thấy bộ đã lúng túng trong quản lý giờ lại còn né tránh và đổ trách nhiệm cho cơ sở. Phường, xã, thị trấn làm sao có đủ trình độ để kiểm tra, quản lý?” - ông Non thẳng thắn.
Theo Sở TT-TT TPHCM, không nên giao cho một cục thẩm định và cấp phép vì đây là loại hình dịch vụ giải trí tác động đến hàng triệu người nên đề nghị trách nhiệm cấp phép phải là Bộ TT-TT.
Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng: Bên cạnh việc kiến nghị Bộ TT-TT sửa đổi các quy chế quản lý phù hợp với thực tiễn, cần hướng nhà sản xuất game online sản xuất game mang nội dung mang tính giáo dục cao và thử thách trí tuệ. HĐND TP sẽ có chuyên đề bàn sâu về vấn đề này để cùng góp giải pháp.
VÂN ANH