Lúng túng xử lý hàng giả

Cách nay ít ngày, cơ quan chức năng TP Nha Trang (Khánh Hòa) phát hiện một cơ sở có dấu hiệu sản xuất yến sào giả. Lạ ở chỗ, chủ cơ sở khai nhận lấy yến sào từ TPHCM, sau đó chế biến thành phẩm, ghi nhãn mác sản xuất tại TP Nha Trang để bán ra thị trường. 

Cơ quan chuyên trách đã tiến hành thu giữ hàng ngàn lọ thủy tinh chứa dịch lỏng được cho là yến sào đã qua chưng cất. Trên thực tế, không riêng yến sào, mặt hàng đặc sản, thuốc bổ… đủ loại cũng được rao bán với mức giá siêu “mềm”. Thế nhưng, để xử lý được các sai phạm này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một điểm bán
Ảnh: THÀNH TRÍ
 Giá nào cũng bán


Chị Lê Phương Ngọc Hoa (ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM) khoe với người bạn thân rằng mới mua trực tuyến được hũ yến sào nhân sâm với giá hời, 33.000 đồng/hũ 70ml (combo 6 hũ 199.000 đồng), trong khi giá gốc sản phẩm này là 250.000 đồng/combo 6 hũ. Ngoài ra còn được hưởng chiết khấu, tính ra chỉ 150.000/combo 6 hũ. Chị Hoa nhẩm tính, sau khi giảm giá đủ kiểu, một hũ yến sào nhâm sâm được quảng cáo “cực bổ, hỗ trợ tốt cho người suy nhược cơ thể” chỉ tương đương giá bán của một hũ sữa chua nếp cẩm tự làm ở nhà. “Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng tôi thấy không an tâm khi giá trị một hũ yến sào nhân sâm mà rẻ đến vậy?”, chị Ngọc Hoa thắc mắc. 

Ghi nhanh trên thị trường hiện nay, giá bán các loại yến sào chưng đường phèn hoặc nhâm sâm… đang được giảm tới 60% - 70% so với giá gốc, chỉ còn 118.000 - 120.000 đồng/combo 6 hũ. Ngay cả yến sào nguyên tổ, yến đã được tinh chế sạch cũng giảm giá 50% - 60% so với giá ban đầu, ở mức 1 - 1,1 triệu đồng/50gr, trong khi giá gốc lên tới 2 - 2,3 triệu đồng/50gr. Hầu hết sản phẩm này đều được người bán khẳng định hàng chính gốc từ Nha Trang, Cần Giờ… 

Theo một số chuyên gia về y dược, nước ta có điều kiện tự nhiên phù hợp nên chất lượng yến sào đạt chất lượng cao, các thương lái Trung Quốc rất thích sang Việt Nam gom hàng. Một mặt hàng khác được xem như “tiên dược” phải kể tới đông trùng hạ thảo, nhưng sản phẩm này cũng được rao bán với đủ mức giá khác nhau, cao điểm từng được bán với giá từ 1,5 -3 tỷ đồng/kg. Tại các nhà thuốc Đông y lớn trên địa bàn TPHCM hầu như đều có thể mua được sản phẩm đông trùng hạ thảo, nhất là khu phố thuốc Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Giá bán dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi lạng (100gr). Chính vì được “phủ” bởi vô số lời đồn thổi về khả năng trị bách bệnh, thậm chí trị ung thư nên mặt hàng này luôn trong cơn sốt, nhưng chất lượng đến đâu thì ngay cả các bác sĩ có chuyên môn cũng khó phân biệt. Ngoài những mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng thuộc dòng “tiến vua”, ngay cả một số mặt hàng bình dân, được người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như nước mắm cá linh, cá cơm… cũng bị làm nhái không thương tiếc. 

Coi chừng xác thực vật, hương liệu

Bà Đỗ Tú Quân (Chi hội Nhà yến Việt Nam) nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, các mặt hàng yến sào bày bán trên thị trường có đủ loại “thượng vàng, hạ cám”, với nhiều mức giá khác nhau. Không thể có sản phẩm chất lượng cao nhưng giá bán rẻ được. Rất nhiều khả năng các mặt hàng giá rẻ đã bị trộn thêm phụ gia, hương liệu… Do vậy, người tiêu dùng nên chọn mua yến sào hoặc sản phẩm được chế biến từ yến tại các cửa hàng, thương hiệu uy tín, tránh mua hàng trôi nổi, vừa mất tiền vừa hại sức khỏe. Riêng đối với mặt hàng đông trùng hạ thảo, các chuyên gia y tế khuyến cáo người mua phải hết sức cảnh giác, bởi có thể sản phẩm cây nấm đông trùng hạ thảo là thật, nhưng đã bị chiết hết chất và không còn tác dụng; hoặc khả năng hàng bị làm giả về kiểu dáng nên nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt. Một nguyên nhân khác cũng được chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo đó là người bán cố tình lừa người mua bằng cách nói dối về giá trị của loại đông trùng hạ thảo mà họ đang nuôi trồng. GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết, thị trường tiêu dùng hiện nay khá phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước cũng như hải ngoại. Nước mắm truyền thống được làm từ nhiều loại cá, bao gồm: cá linh, cá trích, cá cơm… hoàn toàn không chứa phụ gia, hóa chất. Với nước chấm thì khác, được lên men từ cá hoặc đậu nành; sau đó pha loãng, trộn thêm phụ gia, hóa chất bảo quản. Nước không có cá, chỉ toàn hóa chất thì không thể gọi là nước mắm. Theo ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm BaKa, nước mắm từ lâu đã trở thành thứ gắn kết trong nhiều gia đình người Việt. Nước ta có đường bờ biển dài, lợi thế về thu hoạch cá các loại, để có thể cho ra những giọt nước mắm tinh khiết, thơm ngon… Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu được và trân quý các sản phẩm truyền thống này. Ông Quốc Anh nói thẳng, không thể có sản phẩm nước mắm cao cấp, nhưng giá bán chỉ 50.000-60.000 đồng/lít. 

Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường TPHCM kiểm tra, phát hiện một số điểm kinh doanh bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trong đó có cả mặt hàng yến sào, đông trùng hạ thảo… Tuy vậy, quản lý thị trường TP chỉ có thể xử lý ở góc độ đối chiếu xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, giá bán. Riêng chất lượng sản phẩm đến đâu, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không lại do các đơn vị khác quản lý. Chính vì thế, dưới góc độ cơ quan chuyên trách, lãnh đạo quản lý thị trường TP khuyến cáo người tiêu dùng hãy nói không với hàng trôi nổi, chủ động mua hàng uy tín, đáng tin cậy.

Tin cùng chuyên mục