Bút ký

Luồn theo động nước Tràng An

V.Tr.V.
Luồn theo động nước Tràng An

Bến thuyền khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) rộng rãi, mở ra một vùng non nước, mây trời. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp như một Hạ Long trên cạn. Cô lái thuyền tên Trần Thị Mơ, còn rất trẻ, học xong lớp 12, nhưng đã có chồng và một con, nhà ở xã này. Mơ bảo hôm nay chỉ đi mười hang, để trở về cho kịp, đi một vòng, không phải quay lại như bên Tam Cốc.

Luồn qua hang Địa Linh với nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần làm không khí trong hang mát lạnh, thuyền đi một đỗi, ngang đền Trình. Đền thờ hai vị công thần của vua Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù cai quản kho vàng, kho bạc của vua. Phía trong là đền thờ tướng Trần Quý Minh. Ông bị giặc đuổi, chạy tới đó, mộ quân, luyện quân, rồi men theo núi đánh thắng giặc và chết tại đấy, được lập đền thờ từ ngàn năm trước.

Non nước Tràng An. Ảnh: V.Tr.V.

Non nước Tràng An. Ảnh: V.Tr.V.

Mơ vẫn cần mẫn chèo thuyền. Tôi đưa mắt ngắm cảnh xung quanh. Núi giăng thành lũy bao bọc quanh hồ và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Ô kia, một cây cao, hoa đỏ bám đầy cành. Mơ nói đó là cây gáo nước. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo ăn lá trên các tảng đá chênh vênh.

Mơ đưa thuyền vào một thung nước trong veo, nhìn rõ những vạt rong và các loài cây thủy sinh mọc xanh um, lắc lay trong nước. Đó là rong đuôi chồn, rong tóc tiên và lau nước. Mơ bảo: Ở đây có thể nhìn thấy bốn cửa hang: hang Sáng, hang Ba Giọt, hang Seo, hang Tối. Thuyền vào hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ... Trong hang Ba Giọt có ba nhũ đá, nhỏ giọt đều đặn cùng lúc với nhau. Có người bảo nếu vào hang Ba Giọt thì hứng lấy ba giọt nước trong lòng bàn tay sẽ công thành danh toại, hứng tiếp ba giọt nữa để uống thì tình yêu sẽ tròn.

Thuyền vào hang Tối, tôi thấy lờ mờ những vạch trắng trên vách hang, hỏi, Mơ nói trước đây, người dân đánh dấu để lần theo mà đi làm lụng kiếm sống. Khi nghe phía trước có tiếng lạch cạch của thuyền đi ngược thì kêu “Tắc kè”, nghĩa là “tôi đi bên phải”. Thật tuyệt! Y như dân sông nước Nam bộ bơi thuyền đêm tối trời kêu “Cạy, cạy” là “tôi đi bên phải”. Bây giờ thuyền du lịch luồn động nước Tràng An chỉ đi một chiều, không có thuyền đi ngược. Ở hang Nấu Rượu, xưa kia, các cụ vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua. Khi nạo vét lòng hang người ta thấy rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu.

Mơ đưa chúng tôi đến Phủ Khống, nơi đây đã xây dựng một chỗ nghỉ mới đẹp đẽ, khang trang, cũng là chỗ giải lao cuối cùng trên hành trình trở ra của du khách. Mơ nói: Phủ Khống thờ bảy vị quan trung thần triều Đinh. Chuyện kể khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, bảy vị quan trong triều mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành Nam (tên gọi xưa của vùng này lúc còn là cố đô) vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của bảy vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây.

Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị ngàn năm tuổi mà quả có hai loại: một tròn như nắm tay và một nhỏ dẹt. Chúng tôi lên thăm đền, dạo một vòng, cảm thấy người khoan khoái, tan hết mệt nhọc. Tôi đứng dưới gốc thị tìm trái để “hú thị rụng bị” của mình.

Trước đó, Mơ cũng đưa chúng tôi đến một bến đò nữa để leo lên ngọn núi trong hành trình đã định. Chúng tôi thấy bóng những du khách ngồi trên ngôi lều bát giác nghỉ chân lưng chừng núi và cũng háo hức trèo lên nhìn dòng sông uốn lượn qua những thung, những núi mờ ảo, xa xa...

Bên thuyền mới xây giữa cảnh sông xanh, núi biếc, với thuyền đậu san sát như lá tre, du khách mặc áo đỏ, áo xanh đủ kiểu, lên ảnh thật đẹp. Leo lên leo xuống mướt mồ hôi, khi trở lại thuyền, tôi thấy Mơ co ro trong chiếc áo đơn sơ, ngồi đợi chúng tôi trong giá rét...

Trần Thanh Giao

Tin cùng chuyên mục