
Để giải quyết khủng hoảng năng lượng, nhiều nước trên thế giới đã tìm đến giải pháp đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, giải pháp này lại đang làm phát sinh một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là gây ra khủng hoảng lương thực. Để tháo gỡ mâu thuẫn trên, hội nghị các nước Đông Nam Á cộng 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) bàn về việc đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường đã được nhóm họp tại Kyoto (Nhật Bản). Ngay sau hội nghị, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Lê Chí Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam.
- PV: Ông có thể cho biết những nội dung trọng tâm được đem ra thảo luận tại hội nghị?
Ông LÊ CHÍ HIỆP: Nhìn chung, hội nghị lần này tập trung xoay quanh vấn đề làm thế nào phát triển năng lượng sinh học, năng lượng mới nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực. Theo đó, ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình nhất là tập trung phát triển công nghệ sản xuất ra nhiên liệu sinh học từ những nguồn nguyên vật liệu mà con người và động vật (là nguồn thực phẩm của con người) không ăn được; phát triển công nghệ thu năng lượng từ ngoài trái đất đưa vào sử dụng…
- Vậy theo ông, Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu trên?
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng mới, năng lượng sinh học. Trong đó đáng kể nhất là nguồn nguyên liệu từ nắng, gió và rơm rạ. Trên thế giới, nguồn nguyên liệu từ rơm rạ là nguồn nguyên liệu rất quý vì có thể sử dụng sản xuất nhiều loại năng lượng như điện, cồn, ethanol. Đơn cử như tại Tây Ban Nha, rơm rạ là nguồn nguyên liệu rất quý để sản xuất điện, nhưng ở nước ta, với mô hình trồng trọt nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất điện, nhiên liệu sinh học từ rơm rạ chưa có nên nguồn nguyên liệu này đang bị phân tán, lãng phí. Ngoài ra, tiềm năng về nắng và gió của nước ta gần như đứng đầu Đông Nam Á nhưng đáng tiếc là hiệu quả sử dụng không đáng kể.
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng sinh học nước ta?
Theo đánh giá của tôi, trong 10 nước ASEAN, nếu xếp thứ tự từ trên xuống thì Việt Nam mình đứng nhóm cuối sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
- Thưa, ông căn cứ vào yếu tố nào để đưa ra đánh giá như vậy?
Sở dĩ tôi nhận xét như thế là căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất, ứng dụng nguồn năng lượng mới của mỗi nước. Cụ thể như Thái Lan, ethanol là 1,2 triệu lít/ngày, biodiesel gần 1,3 triệu lít/ngày, biomass hơn 1.500MW và biogas 29 MW, năng lượng mặt trời 32MW… và Thái Lan hiện đã có 11 nhà máy sản xuất ethanol. Sản phẩm xăng sinh học cũng được nước này ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất và giao thông. Hay Indonesia, biomass khoảng 445MW, năng lượng mặt trời 10MW… Còn tại nước ta cho đến nay thống kê lại thì năng lượng mặt trời mới đạt mức xấp sỉ 1,5MW. Còn nhiên liệu sinh học đang trong giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm; sản xuất điện từ trấu chỉ mới có 1 nhà máy đang xây dựng; sản xuất điện từ rác chỉ mới dừng mức sản xuất thí điểm…

Ngoài nhiên liệu than, Công ty Xi măng Holcim còn sử dụng thêm trấu, vải vụn, cao su làm nhiên liệu để nung clinke sản xuất xi măng. Ảnh: THÀNH TÂM
- Theo ông đâu là mấu chốt để phát triển mạnh ngành này?
Kinh nghiệm phát triển từ các nước cho thấy mấu chốt vẫn phải là chính sách của nhà nước. Chính sách này phải được cụ thể bằng những con số. Tôi lấy ví dụ, ngành điện mua lại giá điện sạch với giá khoảng 4cent/kWh trong khi giá thành để doanh nghiệp sản xuất ra điện sạch này tồn tại được là 6cent. Vậy nhà nước đóng vai trò điều phối. Một mặt vẫn thúc đẩy hoạt động mua bán trên.
Mặt khác, bù cho đơn vị sản xuất 2cent chênh lệch. Như vậy, thoạt nhìn thì nhà nước có vẻ như bị lỗ nhưng nhìn tổng thể thì nhà nước lại lờ vì sẽ cắt giảm bớt phụ tải ngành điện, giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng, cắt giảm chi phí bù lỗ cho xăng dầu tăng giá… Ngoài ra cần có chính sách khác như miễn thuế, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, trợ giá cho người tiêu dùng…
Mặt khác, nhà nước cần có chủ trương đi tắt đón đầu. Cụ thể, phải giảm chi phí cho nghiên cứu những công nghệ sản xuất năng lượng mới đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng. Nên chăng là nhập công nghệ tiên tiến của nước ngoài và chi thêm nghiên cứu để ứng dụng phù hợp với từng địa phương. Còn lại thì chỉ tập trung nghiên cứu vào những lĩnh vực năng lượng mới mà các nước trên thế giới cũng đang hướng tới.
- Việc tiết kiệm năng lượng cũng là giải pháp chống khủng hoảng năng lượng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tại hội nghị, vấn đề này cũng thu hút được đông đảo sự quan tâm của nhiều nước. Tuy nhiên, với những nước có trình độ công nghệ cao như Nhật Bản thì hiệu quả của giải pháp này không đáng kể, nhưng đối với nước ta thì khác. Trình độ công nghệ sản xuất của nước ta còn thấp, lạc hậu nên tiêu tốn lãng phí nhiều năng lượng. Do đó, nếu áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng thì hiệu quả sẽ rất cao. Theo quan điểm của tôi, nước ta cần thiết phải phát triển song song hai vấn đề, đó là phát triển năng lượng mới và thực hiện tiết kiệm năng lượng. Nhưng trước hết, trong thời gian tới nên đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng làm trọng tâm.
- Có ý kiến cho rằng việc phát triển năng lượng mới đang gây nên tác hại là khủng hoảng thiếu lương thực?
Việc nhiều nước ồ ạt sử dụng cây lương thực hoặc phá bỏ cây lương thực để trồng cây nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học thời gian qua đã gây nên tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Tại hội nghị vừa qua, các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp mới nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển nhiên liệu sinh học nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Đó là sử dụng những loại (cây zetropha, cọ dầu… ) không phải là thức ăn của con người, động vật; chỉ mọc ở những vùng đất khô cằn, không canh tác được lương thực như để sản xuất nhiên liệu sinh học. Mặt khác, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng vô tận như sóng biển, thủy triều, mặt trời, thậm chí là năng lượng nhiệt ngoài trái đất… Và đây cũng chính là hướng đi mới cho ngành năng lượng mới của các nước trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
Ái Vân