Sau 2 lần tổ chức họp và tranh luận nhưng không thành công, ngày 3-9, tại Hà Nội, các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia cuối cùng cũng đã đi đến phương án chung thông qua bỏ phiếu để chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 12,4%.
Tăng 250.000 - 400.000 đồng/tháng
Tại phiên thảo luận, ban đầu các đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn một mực đưa ra phương án tăng là 16,8% như đã đề xuất trong hai phiên trước nhưng sau đó đã thống nhất giảm xuống 14,3% trong khi đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn đề nghị giữ mức tăng chỉ dừng lại ở 10,7%.
May áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty may Việt Tiến. Ảnh: CAO THĂNG
Do hai bên vẫn chưa thể thống nhất và tự thương lượng được mức tăng chung nên cuối cùng theo quy định, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đã dùng quyền của mình để quyết định bỏ phiếu chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016 theo 3 phương án điều chỉnh có mức tăng bình quân là 12,4%, 11,4% và 10,7%. Theo đó, kết quả bỏ phiếu đã có 14/15 phiếu của đại diện các thành viên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% so với mức lương hiện tại, tương đương 250.000 - 400.000 đồng cho 4 vùng lương tối thiểu trong cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân, đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua hội đồng nhận được tỷ lệ đồng thuận về mức tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao như vậy sau khi giữa các bên đã có sự bàn bạc, tranh luận và khó tìm được sự thống nhất.
Công nhân làm việc tại Công ty Dệt Thành Công
Căn cứ vào mức đề xuất của các thành viên, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định mức cụ thể về mức lương tối thiểu vùng năm 2016 vào tháng 10 sắp tới. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Chính phủ sẽ tương ứng là: vùng 1 tăng thêm 400.000 đồng (lên mức 3,5 triệu đồng/tháng), vùng 2 tăng 350.000 đồng (lên mức 3,1 triệu đồng/tháng), vùng 3 tăng 300.000 đồng (lên mức 2,7 triệu đồng) và vùng 4 tăng 250.000 đồng (lên mức 2,4 triệu đồng).
Lương tối thiểu bằng 80% mức sống tối thiểu
Trả lời báo giới tại cuộc họp báo, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, mặc dù mức chốt tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 chưa đúng như mong muốn và đề xuất của Tổng Liên đoàn nhưng cũng tạm hài lòng với kết quả này vì mức tăng năm 2016 đã đạt được bằng mức tăng của năm 2015 là từ 250.000 - 400.000 đồng cho vùng 1 đến vùng 4.
Mức lương tối thiểu tăng chỉ đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ảnh: Việt Dũng
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức tăng tương xứng phải là 14,3% để bằng mức tăng năm ngoái. Bởi trong phiên họp chính phủ ngày 31-8 và 1-9 đã xem xét tất cả các chỉ số: GDP tăng, xuất khẩu tăng, số doanh nghiệp tăng, số doanh nghiệp tái hoạt động tăng lên, thu hút nước ngoài nhiều hơn... nên phương án tăng lương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra không phải là cao, chỉ tăng từ 300.000 - 450.000 đồng/tháng, hơn 50.000 đồng so với năm 2015. Nhưng với tỷ lệ chốt ở mức 12,4%, người lao động vẫn có thể tạm chấp nhận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và Chính phủ.
Tuy nhiên, đại diện cho giới doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng chưa hài lòng với kết quả bỏ phiếu bởi doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, vượt quá khả năng chi trả khi áp dụng mức lương tối thiểu mới, nhất là việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do vậy, VCCI sẽ đề nghị các cơ quan chức năng giãn lộ trình đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội để giảm sức ép cho doanh nghiệp.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, mức đề xuất tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 12,4% đã đạt được sự thỏa thuận và đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên gồm người lao động và doanh nghiệp. Nếu mức đề xuất này được Chính phủ chấp nhận, lương tối thiểu vùng sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
VĂN PHÚC