Cơ chế mở
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, từng tham gia nhiều LHP quốc tế, cho rằng, phim ngắn hay các dự án của các bạn trẻ Việt Nam được đánh giá cao, tạo được sự tò mò, quan tâm nhiều hơn từ nhà chuyên môn tại các LHP. Có rất nhiều dự án mang đến các LHP để xin kinh phí được chị ví von “thư từ chối dày bằng cả… cuốn tiểu thuyết”. Tuy nhiên, các nhà làm phim luôn trong tâm thế hy vọng và tự tin để làm cách nào đó thực hiện được bộ phim. Chị cũng khẳng định, việc nhận được giải thưởng không phải là hên xui, vì tại mỗi LHP, bất kỳ dự án nào cũng cạnh tranh với hàng trăm đối thủ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Mới đây nhất, tin vui lại đến với điện ảnh Việt khi phim Miền ký ức (đạo diễn Bùi Kim Quy) được tất cả thành viên Hội đồng duyệt phim chấp thuận, đánh giá cao, xuất hiện trong hạng mục tranh giải cao nhất - New Current (Chiều hướng mới) tại LHP quốc tế Busan 2021. Đây cũng là hạng mục từng vinh danh bộ phim Ròm (2019). Dù chưa nhiều nhưng việc phim Việt, bao gồm cả phim ngắn lọt vào vòng tranh giải các LHP danh giá nhất như: Venice, Berlin, Cannes… hay các LHP tên tuổi như: Locarno, Sudance, Busan… không còn là câu chuyện quá xa lạ. Đó là còn chưa kể đến rất nhiều phim Việt thường xuyên tham gia tranh giải tại các LHP quy mô nhỏ trên khắp thế giới và không ít lần được vinh danh.
Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim cho rằng, khi phim Việt được các LHP quốc tế uy tín lựa chọn, thì cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Phan Đăng Di tán đồng ý kiến nên có cơ chế riêng cho các bộ phim này. Ngay cả khi bộ phim chưa được duyệt xong bản cuối cùng, nên chăng vẫn được cấp “visa” tham gia các LHP quốc tế. Sau này, nếu bộ phim muốn phát hành trong nước vẫn phải tuân thủ quy định của hội đồng duyệt phim. “Việc có hội đồng duyệt riêng với bộ tiêu chí riêng cùng cơ chế đối thoại cởi mở là điều nên làm”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đề xuất.
Chờ quỹ điện ảnh
Để phim nghệ thuật Việt có chỗ đứng, góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế, kinh phí làm phim luôn là bài toán nan giải. Với tuổi đời hơn 10 năm từ khi dòng phim độc lập nghệ thuật ra đời, các nhà làm phim cho rằng sau những hạt mầm đầu tiên được có mặt, ghi nhận tại các LHP, điều quan trọng là phải tìm cách cho nó lớn lên. Đạo diễn Phan Đăng Di ao ước điện ảnh cũng sẽ có những “ông bầu” đỡ đầu, giống như hành trình thành công của bóng đá Việt Nam thời gian qua.
Trên thực tế, muốn nhận được hỗ trợ về mặt kinh phí và sau này có cơ hội được lựa chọn tham gia tranh giải các hạng mục chính, đặc biệt ở các LHP lớn chưa bao giờ là dễ dàng với phim Việt. Theo ông Vincenzo Bugno, Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới (World Cinema Fund) - quỹ từng cấp kinh phí cho các dự án của Việt Nam: Bi đừng sợ, Đập cánh giữa không trung, Cha và con và…: “Từ khi thành lập vào năm 2004, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ cho 260 dự án. Sự cạnh tranh là rất cao với nhiều tiêu chí và ngay từ đầu không phải là cơ chế xin - cho”. Ông Park Seung-ho, Giám tuyển LHP Busan, đưa ra ví von thú vị khi cho rằng việc chọn các phim dự thi giống như chọn dàn diễn viên cho bộ phim; còn chọn phim tranh giải như chọn diễn viên chính.
Rất nhiều nhà làm phim mong muốn quỹ điện ảnh sớm được thành lập và đi vào hoạt động. Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, nhìn nhận: “Nếu thành lập quỹ này nên lấy trọng tâm là việc lựa chọn, hỗ trợ cho các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, tạo thành dòng phim thành công từng bước tại các LHP quốc tế”. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc chưa có quỹ là một thiệt thòi lớn đối với các nhà làm phim, đặc biệt là người trẻ. Đó là lý do nhà làm phim trẻ vẫn phải vật lộn với việc tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và họ mong đợi sự vận hành của quỹ điện ảnh.
Phim nghệ thuật là một nhánh đang phát triển mạnh trong dòng chảy của điện ảnh Việt. Có một quỹ điện ảnh do nhà nước cấp kinh phí và được điều hành bởi hội đồng chuyên môn, mở “luồng xanh” khi tham gia các LHP chính là cách giúp đỡ, tạo điều kiện để các tài năng mới phát triển và quan trọng hơn, góp phần đưa tiếng nói Việt Nam ra quốc tế.
Trong Luật Điện ảnh 2006, một trong những mục đích của quỹ điện ảnh đã được nhấn mạnh là hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất. Sau 15 năm, mọi thứ vẫn còn trên giấy tờ. Rất nhiều bài học về các quỹ điện ảnh của các nước: Hàn Quốc, Anh, Pháp, Thái Lan, Singapore… được nêu ra nhưng đều chưa thể áp dụng. Ngay cả đề xuất trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu phim vẫn là chủ đề gây tranh cãi. |