Lưu luyến Berlin…

Lưu luyến Berlin…

Điều thú vị ở Berlin trong mùa đông này là tuyết đã rơi đầy nhưng lá vẫn vàng rực rỡ trên những hàng cây…”. Mặc lời tả cảnh của anh bạn người Đức có “tâm hồn thi sĩ”, trên lề đường khu Friedrichstrafze sầm uất, tôi còn mải ngắm những em bé đang được bố mẹ đẩy trên xe nôi trong trang phục kín mít, chỉ còn lộ ra những gương mặt đẹp tựa thiên thần.

Lưu luyến Berlin… ảnh 1

Giữa trời đông Berlin.

Tôi không muốn so sánh quê nhà với bất cứ nơi nào - nhất là với những quốc gia giàu có (dù biết rất rõ đất nước mình còn phải cố gắng rất nhiều để vươn lên), nhưng hình ảnh vừa chợt thấy khiến tôi không khỏi chạnh lòng nhớ lại… con mình chưa từng được mẹ đẩy đi chơi thong dong như thế, đơn giản vì ở Việt Nam không còn… vỉa hè cho khách bộ hành!

Cùng với trật tự đô thị nề nếp, ngoài phương tiện di chuyển cá nhân là ô tô và một ít xe đạp “làm duyên”, giao thông công cộng hoàn hảo là một trong những… thành tựu của các nước phát triển, trong đó có nước Đức. Rất nhiều tàu điện và xe buýt hai tầng ngược xuôi giữa nội ô, chở những hành khách mặt mày tươi tỉnh tranh thủ đọc báo dọc hành trình. Dưới lòng đất, một phần đời sống thường nhật luôn diễn ra - nơi có những chuyến tàu điện ngầm rất ít khi lỗi hẹn!

Mức sống cao, thời gian rảnh rỗi nhiều và phúc lợi đầy đủ là những đặc điểm của xã hội Đức. Có lẽ vì vậy mà ngày làm việc ở đây chỉ bắt đầu vào lúc… 10 giờ và các cửa hàng mua sắm thì đóng cửa lúc 20 giờ. Những ngày đông giá này, mới 15 giờ trời đã sẩm tối. Nhưng bù lại, những loại đèn trang trí giăng mắc khắp các khu chợ Giáng sinh đã khoác cho Berlin một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Dọc theo những quầy bán quà lưu niệm, đồ chơi, bánh kẹo, rượu vang… có rất nhiều du khách trong và ngoài nước Đức đến vui chơi, mua sắm. Với trẻ con, thu hút nhất có lẽ là những quầy chocola đủ loại, đủ hình dạng, từ ngôi nhà to bằng chiếc… tivi 29 inch, ông già tuyết, bầy tuần lộc, đến những quả trứng phục sinh lấp lánh sắc màu…

Ban đêm, nhiều nhóm nam nữ trẻ tụ hội trước những quầy thức ăn nhanh bốc khói của người Đức, Thổ Nhĩ Kỳ… Họ vừa ăn, vừa vui vẻ nói cười, vừa ném những bông tuyết vào nhau hay nhún nhảy theo điệu nhạc Flamenco phát ra từ những gian hàng. Tại khu chợ Giáng sinh đối diện khách sạn The Ritz-Carlton trên đại lộ Potsdamer Platz 3, người ta còn đắp hẳn một… đồi tuyết “dã chiến”. Nhiều bạn trẻ hào hứng tham gia trò… trượt tuyết mà tưởng tượng đang chơi trên dãy Alps - vùng núi mùa đông đầy tuyết phủ giữa biên giới Đức, Áo và Thụy Sĩ!

Hầu như những ai mới đến nước Đức lần đầu đều rất muốn đi thăm bức tường lịch sử từng ngăn chia hai phần Đông- Tây Berlin. Năm 1961, một ban mai thức dậy, người dân Berlin dụi mắt để biết mình không mơ khi thấy một bức tường dài 169,5km, cao 3,6m đã mọc lên ngăn người từ phía đông chạy sang phía tây. 28 năm sau, vào một đêm đáng nhớ năm 1990, hàng vạn người đã tràn lên xô ngã bức tường. Ngày nay, một phần bức tường vẫn được giữ lại làm kỷ niệm với cơ man tranh vẽ ngẫu hứng của những “họa sĩ đường phố”.

Cầm trên tay mẩu bê-tông nhỏ sơn xanh sơn hồng- như biểu trưng của bức tường Berlin- được lồng trong tấm mi-ca hai mặt trong suốt được bán rất nhiều ở các cửa hàng lưu niệm, tôi chợt nhớ tâm tình của vài người bạn Đức: “Cuộc sống giữa người Đông Đức và Tây Đức (cũ) hiện vẫn còn khoảng cách. Bức tường hữu hình không còn tồn tại, nhưng bức tường vô hình dường như chưa xóa nhòa”...

Đến Berlin, du khách có thể đi thăm tháp TV cao 365m. Từ nhà hàng xoay trên tháp, có thể nhìn toàn cảnh thủ đô. Hay thăm cổng hòa bình Bradenburg xây từ năm 1788 tới 1791, được tôn vinh là công trình kiến trúc cổ điển xuất sắc nhất và là công trình lịch sử nổi tiếng nhất của Đức do đã “chứng kiến” suốt chiều dài lịch sử của đất nước này. Khi bức tường Berlin mọc lên, nó cũng là một phần của giới tuyến. Từ ngày bức tường sụp đổ, cổng Bradenburg mới được mở cửa trở lại.

Từ phía Tây cổng Bradenburg đến phía Đông quảng trường Marx-Engels là “Đại lộ dưới cây bồ đề”- đường phố nổi tiếng nhất thủ đô Berlin, dài 1.390m, rộng 60m. Đại lộ này tập trung nhiều công trình kiến trúc đa dạng, nhiều khu thương nghiệp phồn hoa. Đặc biệt có Trường Đại học Humbolt- được xem là đại học tốt nhất của Đông Đức cũ. Xưa kia, nơi đây là cung điện của em trai vua Frederich II. Năm 1810, nhà ngôn ngữ học Karl Wilhelm von Homboldt kiến nghị sửa lại làm trường đại học. Ngôi trường này đã từng đón nhiều nhân vật nổi tiếng đến học và dạy như hai nhà cách mạng vĩ đại Marx và Engels, nhà triết học Hegel, nhà khoa học Albert Einstain…

Đến Berlin, du khách không quên đến thăm bảo tàng lịch sử nước Đức - được xây xong năm 1818 theo kiến trúc cổ La Mã. Nơi đây có nhà tưởng niệm những người đã bị bọn phát xít và quân phiệt giết hại. Các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ nước ngoài khi đến thăm nước Đức thường đến đây đặt vòng hoa.

Đối diện nhà tưởng niệm là quảng trường Alexandre, đẹp nhất Berlin. Năm 1805, Sa hoàng Alexandre I sang thăm nước Đức nên tên ông được dùng đặt cho quảng trường. Gần đó là hai trung tâm văn hóa nghệ thuật: thư viện cổ và Viện Opera quốc gia Đức. Viện Opera quốc gia do vua Phổ Frederich II xây năm 1743. Hỏa hoạn năm 1843 và đệ nhị thế chiến đã làm tòa nhà hư hỏng hai lần.

Từ năm 1951 đến 1955, Viện được trùng tu thành công trình kiến trúc tao nhã, trang trí theo phong cách và nghệ thuật dân tộc truyền thống Đức. Thời gian hạn hẹp không cho chúng tôi cơ hội được thưởng thức nghệ thuật ở một trong ba nhà hát Opera nổi tiếng ở Berlin. Nhưng liên quan đến những nhà hát này, có một tin buồn và một tin vui. Tin buồn là vì chi phí quá nặng, nhà nước Đức có ý định đóng cửa bớt một nhà hát.

Tin vui là từ 3 triệu Euro mỗi năm đóng góp cho hoạt động của những nhà hát này và được Chính phủ CHLB Đức tuyên dương, ông Peter Karl Dussmann- chủ sở hữu tập đoàn Dussmann AG. Co; KgaA, đơn vị đầu tư cung cấp nhiều lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam - cho chúng tôi hiểu hơn về một đối tác của Việt Nam: Ông là một nhà kinh doanh rất yêu quý và có lòng đóng góp cho các giá trị văn hóa (sự say mê của ông Dussmann khi nói về bộ sưu tập tranh cổ và đồng hồ cổ mà chúng tôi thấy ở nhà riêng của ông tại Berlin có lẽ một phần thể hiện tinh thần này!)…

… Chuyến công tác 7 ngày ngắn ngủi cho chúng tôi vừa vặn một nét nhìn thoáng qua về Berlin. Chia tay quê hương của những thiên tài Marx, Bach, Goethe, Friedrich, Beethoven… giữa mùa tuyết rơi, niềm lưu luyến như còn gửi lại trên những chiếc lá vàng chưa chịu rời cành, lòng thầm mong có một ngày trở lại…

KIỀU OANH

Tin cùng chuyên mục