Được hình thành bởi 5 ngọn núi lửa, đảo Lý Sơn nằm trơ trọi giữa đại dương, nước mặn mênh mông nhưng nước ngọt cực kỳ quý hiếm. Càng trơ trọi hơn khi cây xanh thưa thớt nay lại đang bị “thiêu rụi” bởi sức nóng của những công trình bê tông hóa khiến nước mưa không thẩm thấu, cứ rơi xuống là chảy tuột vào cống, thoát ra biển khiến Lý Sơn vốn đã không chủ động được nguồn nước, nay lại mất đi lượng nước ngọt đáng kể.
Đào giếng tìm nước ngọt ở đảo Lý Sơn.
Khoan dày đặc
Cuối tháng 3, đầu tháng 4, đảo Lý Sơn bắt đầu trải qua những đợt nắng gắt. Dù chưa là đỉnh điểm nhưng ở hòn đảo tứ bề giáp biển ấy nắng nóng khiến nước biển bốc hơi mặn theo gió “bám chặt” lấy cơ thể người nên cảm giác đã nóng càng nóng rát hơn. Năm nay, nỗi lo thiếu nước ngọt của hơn 2 vạn dân Lý Sơn quay về sớm hơn khi những giếng khoan đã có dấu hiệu hụt nước, độ nhiễm mặn tăng do túi nước ngọt đang bị những giếng khoan, giếng đào mới “mọc” lên chừng hơn 2 tháng nay “cưỡng bức”. Ở những khu dân cư, những giếng khoan dày đặc ở mỗi góc nhà, sân vườn. Trên những thửa ruộng hành, tỏi, mật độ giếng lại càng nhiều hơn để có nước cho cây trồng.
Nhà bà Bùi Thị Kim Châu, đội 6, thôn Tây, xã An Vĩnh có tổng diện tích chưa đầy 500m2 nhưng có tới 10 giếng khoan. Bà Châu bảo, do nhà ở ngay trên mỏ nước ngọt nên bà con đến xin đóng giếng. “Hàng xóm với nhau, không cho họ lấy nước đâu mà xài” - bà Châu nói. Bà Châu cho biết thêm, xung quanh nhà bà 10 cái giếng ngày đêm thi nhau hút nước sinh hoạt và nước tưới cho hành tỏi mỗi khi vào vụ nên khoảng tháng 9 năm ngoái đến nay nguồn nước bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nguy cơ thành đảo chết
Hiện nay, trữ lượng khai thác nước ngọt thường xuyên trên đảo Lý Sơn đã chiếm khoảng 80%. Theo tính toán, mỗi ngày khoảng hơn 22.000m3 nước ngọt được hút từ lòng đất lên sử dụng sinh hoạt và sản xuất. Với lượng khai thác này đã gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Xung quanh đảo bị nhiễm mặn với diện tích khá lớn, trên 1,6km2 tính từ mặt biển vào. Theo ông Lê Mỹ Liên, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Ngãi, từ chỗ Lý Sơn chỉ có 132 giếng khoan và hơn 400 giếng đào, đến nay, sau khi có điện lưới quốc gia, người dân đã ồ ạt khoan giếng, nâng tổng số giếng khoan lên hơn 900 cái. Ông Liên thừa nhận mật độ giếng khoan hiện nay trên đảo Lý Sơn đã quá dày, trong khi tại đảo không có mạch nước ngọt mà chỉ có túi nước ngọt nên nguy cơ cạn kiệt rất cao. “Chính quyền địa phương cần kiểm soát việc khoan giếng để đảm bảo nguồn nước cho toàn khu vực. Tăng cường công tác điều tra khảo sát cụ thể, quản lý chặt chẽ và có cấp phép hẳn hoi cho việc khoan giếng” - ông Liên đề nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn, ông Trần Văn Minh, cũng bất an không kém về tình trạng khoan giếng tràn lan hiện nay. Ông Minh cho rằng đây là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt người dân trên đảo Lý Sơn, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng khu vực biển đảo. Vì vậy, ông Trần Văn Minh lo lắng: “Nếu không kiểm soát vấn đề khoan giếng sử dụng nước sạch thì vài năm sau không có nước, rồi Lý Sơn sẽ trở thành đảo chết. Vì vậy, phải cấp bách bảo vệ và phát triển nguồn nước để đảo Lý Sơn “sống”. Muốn vậy, chúng ta phải tuyên truyền người dân tiết kiệm nước, phát động bà con trồng cây tạo mảng xanh bảo vệ môi trường, chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất, đồng thời giữ được túi nước ngầm không bị cạn kiệt.
HÀ MINH
Ninh Thuận gặp hạn nặng Vụ hè thu sắp tới tỉnh Ninh Thuận chỉ gieo trồng khoảng 15.000ha lúa, giảm gần một nửa so với những năm trước. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, nếu thời gian tới trên địa bàn không có mưa tiểu mãn thì khoảng 10.000ha lúa không thể xuống giống. Bên cạnh đó, diện tích lúa đông xuân đã xuống giống có hàng ngàn hécta đứng trước nguy cơ mất trắng do không có nước tưới trong 2 tháng qua. Hiện nay, tất cả các huyện tại Ninh Thuận đều thiếu nước cục bộ, như xã Phước Nam (huyện Ninh Phước) có gần 7.000ha lúa và hoa màu đã bỏ sản xuất trong 2 vụ mùa vừa qua. Do đó, xã Phước Nam đã kiến nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho hàng trăm hộ dân khó khăn. Trong đợt làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm nay hạn hán tại Ninh Thuận được dự báo là khốc liệt nhất trong 20 năm qua, vì thế Ninh Thuận cần quyết liệt hơn nữa trong việc chống hạn, đặc biệt phải có kế hoạch chuyển đổi hợp lý 10.000ha lúa có nguy cơ không sản xuất được trong vụ hè thu tới, để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng yêu cầu các hồ chưa, đập thủy điện trên địa bàn Ninh Thuận phải duy trì xả nước thường xuyên, đảm bảo cho nông dân có nước để canh tác. Hiện Chính phủ đã hỗ trợ cho Ninh Thuận 40 tỷ đồng để chống hạn. KHÁNH NGÂN |