Ma túy đá xâm nhập châu Á

Thị trường lớn nhất thế giới
Ma túy đá xâm nhập châu Á

Theo hãng tin AP, dựa trên đánh giá mới nhất của Văn phòng Liên hiệp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) thì châu Á là mục tiêu chính để mở rộng thị trường đối với ma túy tổng hợp của các băng nhóm tội phạm. Nguyên nhân xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế và lượng dân số trẻ cao tại khu vực.

Cảnh sát Trung Quốc thu giữ ma túy đá tại Quảng Châu.

Cảnh sát Trung Quốc thu giữ ma túy đá tại Quảng Châu.

Thị trường lớn nhất thế giới

Ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết, châu Á đang nhận được “sự quan tâm đặc biệt” của những tổ chức tội phạm từ Mỹ và châu Phi. Bên cạnh đó là sự gia tăng nhanh của những băng nhóm tội phạm ngay tại khu vực càng khiến loại chất độc này dễ dàng được chuyển đến tay những người nghiện nhiều hơn.

Báo cáo cho biết, bên cạnh các loại ma túy truyền thống, việc sử dụng chất gây nghiện gốc methamphetamine đang ngày một tăng trên toàn cầu, gây tác động nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Theo UNODC, châu Á là thị trường lớn nhất thế giới về các chất kích thích tổng hợp với lượng ma túy methamphetamine dưới dạng viên và tinh thể (còn gọi là ma túy đá) bị thu giữ đã tăng gấp ba lần trong 5 năm trở lại đây, lên tới 36 tấn. Tính riêng trong năm 2012, Trung Quốc đứng đầu châu Á về lượng methamphetamine bị thu giữ với 16 tấn. Tiếp theo là Thái Lan, tăng từ 2 tấn (năm 2008) lên 10 tấn, Indonesia ở vị trí thứ ba, tăng từ 700kg lên 2,1 tấn và Myanmar, tăng từ 100kg lên 2 tấn. Sự sụt giảm chỉ được ghi nhận tại Malaysia từ 1,1 tấn xuống còn 900kg.

Quốc gia nằm trong danh sách báo động hiện nay là Indonesia. Một lượng lớn methamphetamine vẫn tiếp tục được tinh chế tại nước này, dù số cơ sở sản xuất được phát hiện đã giảm trong những năm gần đây. Nhưng UNODC lưu ý điều này không có nghĩa thị trường ma túy Indonesia được thu hẹp, mà ngược lại đang trong xu hướng gia tăng bởi các hoạt động buôn bán vẫn diễn ra tấp nập.

Cũng trong báo cáo của UNODC, Trung Quốc và Ấn Độ là những trung tâm sản xuất ma túy đá, các chất gây nghiện có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, với sự trợ giúp đắc lực của các băng nhóm ở trong nước. Trong khi đó, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, bao gồm cả nhóm Yakuza Nhật Bản đã giúp ma túy đá vận chuyển trót lọt từ Mexico, Trung Đông và phần còn lại của châu Á đến được các thị trường tiêu thụ chính. Theo thống kê của cảnh sát Nhật Bản, trong năm 2013, họ đã bắt giữ 12.000 vụ liên quan đến ma túy đá, và phân nửa trong số đó có dính dáng tới các nhóm Yakuza.

Nạn nhân của ma túy đá sau thời gian sử dụng.

Nạn nhân của ma túy đá sau thời gian sử dụng.

Thủ đoạn của tội phạm

Theo ông Jeremy Douglas, giới buôn ma túy biết rằng thu nhập ở châu Á đang tăng lên nhanh chóng nên chúng sẽ bán phá giá ma túy ở khu vực này trong thời gian đầu để “kích cầu”, rồi từ đó, khi đã có số đông người nghiện, chúng sẽ tăng giá. Sau thời gian nghiên cứu và thăm dò từ những năm 2000, các nhóm tội phạm đã chuyển hướng tập trung sản xuất ma túy đá khi mặt hàng này được ưa chuộng. Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, bọn tội phạm tìm mọi cách để bào chế ra chất gây nghiện mới chưa có trong các danh mục cấm, hoặc di chuyển các cơ sở sản xuất đến các khu vực kiểm soát lỏng lẻo hơn.

Các băng nhóm tội phạm còn khai thác thị trường châu Á bằng cách buôn bán methamphetamine dạng viên và tinh thể từ Mexico, Trung Đông, Nam Á, Tây Á và Tây Phi. Trong đó, Tây Phi trở thành một nguồn cung methamphetamine quan trọng bán sang châu Âu, Đông Á và Đông Nam Á. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nổi lên như một điểm trung chuyển chủ chốt cho methamphetamine nhập lậu từ Tây Á đến Đông Á và Đông Nam Á.

Tướng Deddy Fauzi Elhakim, người đứng đầu Cơ quan chống ma túy quốc gia của Indonesia (BNN) cho biết, BNN trong thời gian qua đã phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước này có liên hệ với các băng nhóm buôn lậu ma túy lớn từ Trung Quốc, Iran và châu Phi. Gần đây, số vụ buôn lậu, vận chuyển ma túy qua các cảng hàng không, cảng biển, nhất là tại Kalimantan từ đảo Borneo, bị phát hiện và bắt giữ đã tăng mạnh, trong đó chủ yếu là methamphetamine tinh thể được nhập lậu từ Quảng Châu (Trung Quốc), Australia và New Zealand. BNN còn lưu ý đến tình trạng sử dụng ma túy trong lực lượng thực thi pháp quyền, mà mới đây nhất là việc 4 cảnh sát sử dụng quá liều ma túy dẫn đến tử vong tại một hộp đêm ở Tây Jakarta. Sau vụ việc, chính quyền Jakarta đã ban hành lệnh đóng cửa tạm thời hoạt động của các hộp đêm, thu hồi giấy phép hoạt động của các điểm vui chơi giải trí có tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy.

Tại Australia, Ủy ban tội phạm Australia (ACC) cho biết trong năm vừa qua, các cơ quan chức năng đã tịch thu được số lượng ma túy trị giá lên tới 2,7 tỷ USD. Cảnh sát Australia thực hiện một số lượng bắt giữ kỷ lục lên tới 100.000 vụ. Trong khi đó lực lượng bảo vệ biên giới cũng đã tịch thu được 19 tấn ma túy. Số lượng các vụ tịch thu ma túy đá tăng hơn 300% trong một năm. Giám đốc Điều hành Ủy ban tội phạm Australia, bà Judith Lind, cho hay: “Ma túy đá có liên quan trực tiếp đến một số tội phạm bạo lực trong năm qua. Người sử dụng ma túy dường như nghĩ rằng họ không gây phương hại cho bất cứ ai. Tuy nhiên, vì bản chất và ảnh hưởng của ma túy đá, người sử dụng có thể trở thành hoang tưởng và có thể trở nên rất bạo lực”. Trong năm 2013, tại Australia, người nghiện ma túy đá đã gây ra nhiều tai nạn xe hơi dẫn đến tử vong, tham gia vào các vụ giết người và thực hiện các hành vi rất bạo lực liên quan đến những người khác.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục