Mạch lúa thơm khơi nguồn khát vọng làm giàu

Năm 2018 khép lại, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đón tin vui khi quay lại mốc xuất khẩu trên 6 triệu tấn. Tuy chưa phải là con số cao nhất trong 5 năm qua (năm 2013 đạt 6,68 triệu tấn, đạt giá trị 2,89 tỷ USD) nhưng giá trị thì đạt mức cao nhất 3 tỷ USD. Kết quả có được từ sự đóng góp ngoạn mục của gạo thơm - gạo chất lượng cao Việt Nam.
GS - TS Võ Tòng Xuân (giữa) và kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa trái) nghiên cứu giống lúa thơm ST. Ảnh: Cao Phong
GS - TS Võ Tòng Xuân (giữa) và kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa trái) nghiên cứu giống lúa thơm ST. Ảnh: Cao Phong

Dấu ấn hai “Anh hùng chân đất”

Một ngày cuối năm 2018, kỹ sư Hồ Quang Cua (nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng) có mặt tại hội thảo tìm giải pháp để ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra ở Cần Thơ. Anh chăm chú lắng nghe từng ý kiến hiến kế cho vùng đất đang đối diện với nhiều thách thức từ thiên nhiên, dù rằng bản thân anh đã hoàn thành trách nhiệm với ngành nông nghiệp Sóc Trăng khi cùng nhiều cán bộ cho ra đời dòng gạo thơm ST trứ danh. Hiện tại, anh đóng vị trí “cố vấn” cho doanh nghiệp con trai mình - Hồ Quang Trí - chuyên sản xuất giống và lúa dòng ST.

Còn nhớ cuối năm 2017, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ và kỹ sư Hồ Quang Cua đã có mặt tại cuộc thi Gạo Ngon thế giới diễn ra ở Ma Cao - Trung Quốc. Tại đây, gạo ST24 của Việt Nam đã được vinh danh “Tốp 3 gạo ngon nhất thế giới”, cùng với gạo Thái Lan và gạo Campuchia. Đây là dấu son đánh dấu bước tiến của các loại gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua dày công nghiên cứu lai tạo trong nhiều năm qua. Thành quả này còn có ý nghĩa “đánh dấu” cho thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Cách đây gần 13 năm (năm 2006), Báo Sài Gòn Giải Phóng từng tổ chức Hội thảo Xây dựng thương hiệu cho nông sản ĐBSCL tại Bến Tre, kỹ sư Hồ Quang Cua đã trình bày một tham luận khá ấn tượng về lúa thơm Sóc Trăng. Khi ấy, anh kỹ sư chân đất chỉ đưa ra “khát vọng đầu tiên” là xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo thơm Sóc Trăng”. Đó thật sự là nền tảng vững chắc để Sóc Trăng khẳng định được thương hiệu gạo ST cho đến hiện nay. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, câu chuyện về những giống lúa thơm đầu tiên “đặt chân” vào vùng đất Sóc Trăng đến nay đã tròn 25 năm. Chặng đường hình thành lúa thơm của Sóc Trăng mang đậm dấu ấn tri giao giữa anh và GS-TS Võ Tòng Xuân (người mang giống lúa KDM về Việt Nam). “Nếu thầy Xuân không dành hết tâm huyết thì khó có dòng lúa thơm ST hiện nay. Hồi những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, phòng nông nghiệp làm gì có kinh phí. Nhờ thầy Xuân hỗ trợ giống rồi chi trả kinh phí, anh em cán bộ kỹ thuật mới đủ lực quản lý sản xuất nhân giống”, kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại.

Bán gạo thơm để lai tạo lúa giống

Trong 5 năm qua, nhiều loại gạo ST sản xuất tại Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu và bán buôn trên thị trường nội địa với mức cao kỷ lục, trên 600 USD/tấn (cao hơn gạo thường khoảng 200 USD/tấn). Bộ NN-PTNT cũng lấy giá trị xuất khẩu từ các giống lúa của Sóc Trăng để làm mục tiêu “nâng cấp giá trị hạt gạo Việt”. Nông dân trồng lúa ST24 được doanh nghiệp mua cao hơn lúa thường khoảng 20% là một hấp lực để họ chọn lựa sản xuất. 

Giống ST24 chống chịu tốt với ngoại cảnh, thời gian sinh trưởng ngắn, từ 95 - 97 ngày, nên được xem là một lựa chọn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. “Gần 100 năm trước, gạo ngon Sóc Trăng đã xuất hiện trên thị trường châu Âu. Cách đây hơn1/4 thế kỷ, gạo Việt Nam đã xuất hiện lại trên thị trường thế giới. Nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn công tác tổ chức trong cánh đồng lớn, chúng ta sẽ đưa những nông dân nhỏ ra biển lớn, tức sản phẩm của họ hội nhập với thị trường lúa gạo toàn cầu”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Giờ đây kỹ sư Hồ Quang Cua hỗ trợ người con trai chăm sóc cho vùng nguyên liệu khoảng 500ha tại Sóc Trăng, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.000 tấn gạo ST. “Chỉ sản xuất vừa phải. Nói nôm na, tôi chỉ muốn cùng con trai làm tròn vai sản xuất mồi các dòng gạo ST. Lợi nhuận vừa đủ để tôi có thể tiếp tục nghiên cứu, lai tạo các dòng lúa ST”, kỹ sư Hồ Quang Cua tâm sự. Các dòng lúa thơm ST đã và đang phủ rộng trên đất ruộng bán đảo Cà Mau - nơi có thời tiết khắc nghiệt nắng hạn và tiếp giáp ba dòng nước ngọt - lợ - mặn. Dòng lúa ấp đang khơi nguồn cho khát vọng làm giàu của người nông dân Việt.

Tin cùng chuyên mục