Cải cách y tế là một trong những vấn đề được ưu tiên của chính quyền Tổng thống Obama và mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phanh phui đường dây gian lận trong ngành y tế có quy mô lớn chưa từng có…
- Gian lận bảo hiểm y tế
Ngày 13-10 vừa qua, Phòng Tư pháp Mỹ tuyên bố đã tóm được 73 cá nhân thuộc một băng nhóm tội phạm người Mỹ gốc Armenia và một nhóm người khác có liên quan. Đây được cho là vụ gian lận bảo hiểm y tế lớn nhất Mỹ từ trước đến nay. Cơ quan chức năng bắt đầu điều tra từ New York sau khi thông tin về 2.900 bệnh nhân của cơ quan bảo hiểm y tế Medicare tại bang này thông báo bị mất cắp mã số an sinh xã hội và những thông tin cá nhân.
Mạng lưới tội phạm này đã đánh cắp chúng cùng với thông tin của nhiều bác sĩ để dựng lên 118 cơ sở khám chữa bệnh giả ở 25 bang trên đất Mỹ. Tên tuổi của các bệnh nhân được dùng để đưa vào những hóa đơn thanh toán giả cho các quy trình chăm sóc y tế như kiểm tra bàng quang, tai, mũi, da, tim, siêu âm thai phụ…
Sau đó, các hóa đơn thanh toán này được gửi đến để Medicare chi trả với tổng chi phí lên đến 163 triệu USD. Riêng ở New York, hóa đơn gửi về Medicare có giá trị 100 triệu USD và Medicare đã thanh toán ít nhất 35 triệu USD cho nhóm tội phạm này. 73 cá nhân sa lưới sẽ bị xử phạt với những tội danh: gây tổn hại đến hệ thống y tế Mỹ, rửa tiền, thông tin cá nhân, trộm tài khoản cá nhân, nhập cư bất hợp pháp, sử dụng internet vào mục đích trục lợi trái phép…
Nhóm tội phạm này có tên Mirzoyan-Terdjanian, chủ yếu mang quốc tịch Armenia hoặc người Armenia nhập cư nhưng vẫn giữ mối liên hệ với mạng lưới xã hội đen ở quê nhà. Sau khi rút được tiền, chúng chuyển tiền về Armenia. Nhóm này dưới quyền điều khiển của Davit Mirzoyan và Robert Terdjanian, hoạt động chủ yếu tại Los Angeles và New York, ngoài ra còn ở New Mexico, Georgia và Ohio. Trong số những tên này còn có “bố già” Armen Kazarian, kẻ xuất thân từ một tổ chức tội phạm chuyên nghiệp của Nga. Đây là lần đầu tiên tên trùm này bị sa lưới dù trước đó, bảng thành tích phạm tội gian lận của hắn khá dày. Công tố viên Preet Bharara trong cuộc họp báo tại Manhattan nhận định rằng mức độ và sự tinh vi trong vụ lừa đảo này còn ghê gớm hơn cả mafia truyền thống.
- Rủi ro mua dược phẩm trên mạng
Tại Mỹ hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng và lan rộng của internet, việc khám chữa bệnh và mua bán thuốc trên mạng đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở thu hút đông đảo bác sĩ, dược sĩ tham gia với doanh số kinh doanh hàng năm lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng trong năm nay, thị trường kinh doanh thuốc trực tuyến ở Mỹ ước tính đạt được 75 tỷ USD. Chỉ cần gửi thư điện tử tham vấn bác sĩ điều trị trên mạng và đánh dấu vào nhiều câu hỏi đặt ra thì người bệnh nhận được thư điện tử hồi âm kèm theo toa thuốc chỉ định. Căn cứ vào toa thuốc này, dược sĩ sẽ tiến hành bán thuốc qua mạng cho người có nhu cầu.
Thế nhưng đó chỉ là vấn đề nguyên tắc và cả cho những bác sĩ và dược sĩ có lương tâm. Vì hiện nay đã xảy ra nhiều trường hợp chỉ định chữa trị không đúng bệnh và bán thuốc giả trên mạng khiến cho nhiều người trên khắp nước Mỹ phải tiền mất, tật mang và trở thành một vấn nạn xã hội khiến dư luận lo lắng và lên án.
Từ năm 2004, để tiết kiệm chi phí, hàng triệu người Mỹ không có bảo hiểm đã tìm được cách tiếp cận nhanh chóng với các loại dược phẩm cần thiết thông qua các cửa hàng dược phẩm trực tuyến của Mỹ và thậm chí từ các trang trực tuyến của các nước khác. Cụ thể, họ có thể tiết kiệm 50%-80% chi phí thuốc theo toa với những thao tác đơn giản như: gửi danh sách thuốc và liều lượng cần dùng, cung cấp thông tin về thẻ tín dụng cũng như địa chỉ người nhận. Sức hấp dẫn được mua dược phẩm với chi phí thấp, an toàn như thế khiến người dùng đổ xô lựa chọn cách mua tiềm ẩn nhiều rủi ro này.
Nguồn cung cấp dược phẩm vào Mỹ chủ yếu từ Canada, sau này có thêm Ấn Độ, Nam Phi… Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến 50% toa thuốc và lượng thuốc bán trên mạng là thuốc giả hoặc không rõ xuất xứ. Lỗ hổng thương mại trực tuyến đối với các sản phẩm đặc biệt này đã tạo điều kiện cho hàng ngàn trang mua bán dược phẩm trực tuyến giả xen vào thị trường, bao gồm những trang có giấy phép kinh doanh (chỉ khiêm tốn với 340 trang) và hơn 47.000 trang bán dược phẩm lậu.
Năm 2004, cái chết oan uổng của một chàng trai sống ở bang California cùng hàng loạt phản hồi từ những nạn nhân của việc bán thuốc giả mà Cơ quan Quản lý dược phẩm và các chất gây nghiện (DEA) đã lần ra manh mối đường dây buôn bán thuốc giả. Bắt đầu từ Clay Fuchs, nhân vật chuyên cung cấp thuốc Viagra và thuốc giảm béo trên mạng. Tên này lập trang web thepillbox.com rồi rao bán thuốc qua mạng.
Ban đầu, hắn bán thuốc thật nhưng sau đó pha thêm ít thuốc giả, rồi nhận thấy lợi nhuận thu được từ việc bán thuốc giả quá cao nên hắn ta bán toàn thuốc giả. Chỉ 2 năm hành nghề gian lận này, Clay Fuchs đã kiếm được trên 8 triệu USD. Từ lời khai của Clay Fuchs, cảnh sát còn bắt giữ các bác sĩ dỏm chuyên móc nối làm ăn với hắn. Trong đó có David Bryson, một bác sĩ đã bị rút giấy phép hành nghề ở bang Texas đã nhiều lần kê toa thuốc không đúng bệnh trạng, gây biến chứng cho hàng chục bệnh nhân trên mạng. Vụ này phanh phui ra được hơn 60 bác sĩ và dược sĩ hành nghề trên mạng đã câu kết với nhau kê toa nhiều loại thuốc không đúng với bệnh trạng để cùng chia chác lợi nhuận.
Ngành y tế Mỹ trong mấy ngày qua được nhắc đến khá nhiều thông qua những vụ phanh phui khác. Ngày 15-10, chuỗi cung ứng dược phẩm lớn nhất của Mỹ là CVS đã bị tuyên phạt 75 triệu USD vì tung ra thị trường hàng loạt dược phẩm, trong đó có chất gây nghiện như pseudoephedrine mà những kẻ trục lợi có thể từ đó chế biến thành methamphetamine (một loại chất kích thích bị nghiêm cấm). Đại diện của CVS đã thú nhận việc vi phạm luật về kiểm soát dược phẩm để cung cấp cho phần lớn khách hàng đến từ California.
- Quyết tâm cải cách hệ thống y tế
Trong nỗ lực cải cách y tế của Tổng thống Mỹ B.Obama, vốn gây tranh cãi trong giới chuyên môn, có biện pháp đẩy lùi khả năng bành trướng của các trang cung cấp dược phẩm trực tuyến. Chương trình này giúp cho 32 triệu người có được bảo hiểm sức khỏe trước đây họ chưa có. Nước Mỹ có 83% số người dưới 65 tuổi cư ngụ hợp pháp có bảo hiểm sức khỏe, nay thực hiện dự luật này đưa tổng số dân Mỹ có bảo hiểm y tế lên 95%.
Thế nhưng, dự luật này đến nay vẫn còn nhận rất nhiều lời chỉ trích từ nhiều bang. Bên cạnh đó, để tạo hàng rào bảo vệ người tiêu dùng, Chính quyền Tổng thống Obama đã đưa ra 2 chương trình hỗ trợ của National Association of Boards of Pharmacy (NABP - Hiệp hội Dược phẩm quốc gia) và Federation of State Medical Boards (FSMB - Liên đoàn Y tế liên bang). Các cơ sở hợp pháp đều được NABP và FSMB cấp chứng nhận hội đủ các điều kiện về bằng cấp và tiêu chuẩn hành nghề dược. Những cơ sở trên internet có mang dấu triện hình bầu dục màu xanh, đặc biệt với hàng chữ VIPPS (Verified Internet Pharmacy Practice Sites - Những trang cung cấp dược phẩm đã được kiểm chứng) do NABP cấp phát đáng tin cậy vì đó là dấu hiệu bảo đảm sự tuân thủ của cơ sở này với chính quyền và báo cho người tiêu thụ biết được chất lượng về những loại thuốc họ được cung cấp.
Mấu chốt của những vấn đề trên liên quan đến chính sách cải cách y tế mà Tổng thống Obama một mực bảo vệ. Cải cách này, một mặt ủng hộ việc tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng nhưng mặt khác đang tạo nên câu hỏi lớn trong dư luận Mỹ: Liệu hệ thống bảo hiểm gồm các cơ quan thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho người dân cũng như những cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chi trả cho những hóa đơn khám, chữa bệnh có đủ an toàn hay không? Và dư luận trái chiều về dự luật cải cách y tế vẫn sôi động ở chính trường nước Mỹ .
NHƯ QUỲNH