Mái ấm cũng phải thích nghi

Liệt kê các khoản thu chi, sắp xếp thời gian dạy con học trực tuyến, sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh trở lại… là công việc thường nhật của không ít phụ huynh. Những ngày dài “hết ăn lại nằm, hết nằm lại ăn” dần trôi qua, mọi người hối hả bắt nhịp cuộc sống “bình thường mới”. 

Bận rộn 

“Anh để ý nhé. Đây là lịch học, ăn uống, học thêm trong tuần của bé Na”, chị Lê Nguyễn Ngọc Anh (ngụ đường Nguyễn Văn Quá, quận 12) vừa trao đổi với ông xã vừa vội nghe điện thoại khách gọi đặt hàng. Công việc bán hàng trực tuyến của gia đình chị nhộn nhịp từ giai đoạn giãn cách xã hội. Đơn hàng về nhiều, thu nhập cải thiện, nhưng chị cũng nhiều lo toan hơn. Bà Nguyễn Thị Mai, mẹ chị Ngọc Anh, cho hay, 2 đứa nhỏ nhà chị lần lượt học lớp 1 và 2 đều “khoán trắng” cho bố và bà ngoại chăm sóc, dạy bảo. “Trước đó, cả nhà chúng nó mắc Covid-19, may mắn là khỏi sớm. Con rể thất nghiệp, đành ở nhà phụ vợ chăm con, lên đơn hàng rau củ quả, thịt cá các loại để chuyển cho khách”, bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ. 

Hình ảnh dễ thấy trong những ngày này - bà kèm cháu học bài khi bố mẹ bận làm việc online
Vài ngày nay, anh Nguyễn Tất Niên (thuê trọ ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp) bận rộn hơn với công việc “tay trái” - tài xế xe công nghệ. Thu nhập mỗi ngày được cải thiện đáng kể, không những đủ trả tiền thuê trọ, mà còn gửi được chút tiền phụ vợ chăm con ở quê nhà Đắk Lắk. Anh Niên phấn khởi cho biết: “Các đơn hàng tiếp tục đổ về nhiều như vài ngày nay, hy vọng bữa cơm gia đình tôi sẽ có thêm thịt cá, tụi nhỏ được chăm sóc tươm tất hơn trước”. Còn chị Hoàng Minh Thụy, giảng viên một trường cao đẳng tại quận 12, tâm sự, từ tháng 5 đến nay, vợ chồng chị phải tạm ngưng dạy học. Là giảng viên tiếng Anh nên chị Thụy có thể dạy kèm trực tuyến để bớt nhớ nghề, nhưng thu nhập thực tế chẳng đáng bao nhiêu. Do vậy, để bám trụ lại TPHCM, cả hai làm thêm đủ thứ nghề khác, như bán hàng online, dạy thêm, chạy xe công nghệ… “Bé con nhà mình được 5 tuổi, đang ở Bình Phước với ông bà ngoại, còn vợ chồng mình làm việc ở thành phố. Hy vọng tới đây, việc đi lại thuận tiện mình sẽ đón con vào trở lại”, chị Minh Thụy nói.

Thông qua những cuộc gọi điện từ xa, vợ chồng anh Niên, chị Thụy đều nắm được thông tin vui chơi, học hành của con nhỏ ở quê. Năm học mới đã bắt đầu nên hầu như phụ huynh nào cũng bận rộn, vừa làm việc duy trì cuộc sống vừa tối mặt chăm con, đồng thời còn là những giáo viên bất đắc dĩ. 

Vất vả nhưng vui

Nửa tháng qua, TPHCM tổ chức nhiều tour tham quan tri ân lực lượng tuyến đầu hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19, cũng là lúc nhân viên ngành du lịch rục rịch cho kế hoạch quay trở lại làm việc. 

Chị Trần Nguyên Thu, Giám đốc truyền thông một công ty du lịch tại quận 1 (TPHCM), nói rằng, những ngày này chị vừa làm mẹ vừa làm cô giáo, phải thức khuya dậy sớm vất vả vô cùng, nhưng vẫn thấy vui như tết. Bởi theo chị Thu, có trải qua những tháng ngày dài quanh quẩn góc nhà do giãn cách mới thấy trân trọng thời điểm này. “Lúc trước bọn nhỏ còn mè nheo đòi đi du lịch trong nước rồi nước ngoài, còn nay không đòi hỏi gì. Hay chuyện ăn, chuyện mặc hàng ngày gì cũng được và bọn nhỏ không ý kiến. Chính cuộc sống khó khăn đã khiến bọn trẻ và cả người lớn trưởng thành hơn”, chị Trần Nguyên Thu tâm sự.  

Từ tháng 7 đến nay, chị Thu Phương (50 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thị Đặng, quận 12) giảm gần 3kg nhờ thường xuyên tập thể dục quanh nhà, leo bộ cầu thang, chăm sóc cây hoa kiểng. Anh Phương Nguyên, chồng chị Thu Phương, ngạc nhiên cho biết: “Từ lúc giãn cách xã hội tới nay, vợ chăm chỉ lên Internet để đọc thông tin, tự tập tành tại nhà. Lũ trẻ nhà mình đang học phổ thông cũng noi gương mẹ và tiến bộ hẳn”. 

Chủ động thích nghi, chi tiêu tiết kiệm… là việc đã và đang áp dụng của hàng loạt gia đình những ngày qua. Khi cuộc sống có những khúc cua bất ngờ, nếu không tìm cách thích ứng sẽ rất khó bám trụ để tiếp tục vượt qua. Sống nỗ lực, tích cực, tìm được niềm vui trong bộn bề vất vả lo toan sẽ khiến cuộc đời an yên hơn.

Tin cùng chuyên mục