Mãi giữ vững bút sắc, lòng trong

Giải báo chí TPHCM - Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt 6 giải
Mãi giữ vững bút sắc, lòng trong

Tối qua 20-6, Hội Nhà báo TPHCM, Tạp chí Nghề báo, Đài Truyền hình TPHCM và Công ty Truyền thông quốc tế phối hợp tổ chức đêm giao lưu, ca nhạc với chủ đề “Ngòi bút và trái tim”. Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo và những kinh nghiệm, tâm tư trong nghề đã được các nhà báo chia sẻ.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình Ngòi bút và trái tim. Ảnh: AN DUNG

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình Ngòi bút và trái tim.
Ảnh: AN DUNG

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Những năm qua, báo chí TPHCM nói riêng và báo chí cả nước nói chung đã có nhiều cố gắng bám sát cuộc sống, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biểu dương những nhân tố mới, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước; đồng thời dũng cảm đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch…

Nhà báo Nguyễn Quý Hòa (Thành ủy viên, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM) khẳng định: Đài Truyền hình TPHCM tạo ra những chương trình có dấu ấn, tuyên dương những nét đẹp trong cuộc sống, góp phần đưa TPHCM ngày càng tiến nhanh.

Về phần mình, nhà báo Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Phó Tổng biên tập Báo Khoa học phổ thông) cho rằng, các cơ quan báo chí phải tự nâng cao uy tín của mình. Mỗi nhà báo phải tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức xã hội và ý thức công dân; thể hiện tính chuyên nghiệp nhiều hơn trong quá trình thu thập và thể hiện thông tin.
 
Chuẩn xác và hấp dẫn

Buổi giao lưu sôi nổi hẳn lên với phần trò chuyện của các nhà báo vừa đoạt giải cao tại Giải Báo chí TPHCM lần thứ 29.

Các nhà báo Đoàn Thị Mai Hương (Báo SGGP, từ phải sang), Thu An (Báo Tuổi trẻ) và Phạm Hồng Kỳ (Báo Người Lao động) trong đêm giao lưu. Ảnh: AN DUNG

Các nhà báo Đoàn Thị Mai Hương (Báo SGGP, từ phải sang), Thu An (Báo Tuổi trẻ) và Phạm Hồng Kỳ (Báo Người Lao động) trong đêm giao lưu. Ảnh: AN DUNG

Nói về xuất phát điểm để cùng đồng nghiệp thực hiện loạt bài “Tin ở người trẻ” (đoạt giải nhất nhóm IV - phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh), nhà báo Đoàn Thị Mai Hương (Báo Sài Gòn Giải Phóng) chia sẻ: “Bắt đầu từ “đơn đặt hàng” của Ban Biên tập ghi nhận kết quả và khẳng định sự thành công của kỳ đại hội Đảng bộ cấp cơ sở vừa hoàn thành, chúng tôi suy nghĩ phải làm sao để loạt bài viết về Đảng vừa đảm bảo tính chuẩn mực, chính xác, vừa mang tính báo chí và đem lại sự hấp dẫn đối với bạn đọc. Chúng tôi quyết định phản ảnh chân dung lớp lãnh đạo trẻ vừa được bầu sau kỳ đại hội. Địa bàn chúng tôi hướng đến là những phường, xã, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa; đặc biệt là những địa bàn phức tạp nhưng đã được chuyển hóa dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo trẻ”.

Trước câu hỏi của một bạn sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM: “Liệu người trẻ hiện nay đã có thể đảm đương công việc và xứng đáng là người chủ đất nước như mong đợi của thế hệ cha anh đi trước?”, nhà báo Mai Hương khẳng định: Khi người trẻ được tin, được tiếp lửa thì sẽ làm được nhiều điều bất ngờ, xứng đáng với niềm tin của thế hệ trước…

Khi được một sinh viên báo chí Trường Đại học KHXH-NV TPHCM hỏi: “Chúng em muốn được tuyên truyền về biển đảo thì phải làm như thế nào?”, nhà báo Phạm Hồng Kỳ (Báo Người Lao Động - Giải nhất nhóm III - phóng sự, điều tra, ký báo chí, phim tài liệu) tâm sự: Chúng ta phải nuôi dưỡng, trau dồi tình yêu và kiến thức đối với biển đảo. Vì như thế chúng ta mới có được những bài viết vừa đầy sức lay động vừa chính xác, mang tính thuyết phục về chủ quyền của Tổ quốc.
 
Phần giao lưu kết thúc đầy ý nghĩa với lời tâm sự của nhà báo Ngô Thị Thu An (Báo Tuổi Trẻ, đoạt giải nhất nhóm V - công trình tập thể) về sự kết nối khắng khít giữa bạn đọc với báo chí: “Bạn đọc là những người giữ cho chúng tôi đứng vững, giúp cho chúng tôi phát triển, hiến kế cho chúng tôi làm tốt hơn; là nguồn tin, cung cấp đề tài vô tận cho báo chí. Bạn đọc là những người phê bình nghiêm khắc khi chúng tôi có sai sót, nhưng trên hết bạn đọc luôn dành cho chúng tôi những tình cảm sâu lắng, chân thành. Bạn đọc là vấn đề chiến lược của báo Tuổi Trẻ và tất cả các cơ quan truyền thông hiện nay”.

Đó cũng là lời hứa của báo chí TPHCM nói riêng, báo chí cả nước nói chung nguyện luôn giữ bút sắc, lòng trong; vì bạn đọc, cùng bạn đọc phát triển.

ÁI CHÂN

Giải báo chí TPHCM - Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt 6 giải

Hội Nhà báo TPHCM vừa công bố danh sách 42 tác phẩm và 5 công trình tập thể đoạt giải báo chí TP lần thứ 29 năm 2011, trong đó Báo SGGP đoạt 6 giải. Cụ thể, ở nhóm phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh Báo SGGP đoạt 2 giải gồm giải nhất của nhóm tác giả Mai Hương – Ái Chân với loạt bài 3 kỳ Tin ở người trẻ và giải ba của tác giả Lê Linh với loạt bài 3 kỳ Giải bài toán thiếu nhà trẻ.

Ở nhóm phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí, Báo SGGP đoạt 1 giải nhì với loạt bài 2 kỳ Nỗi oan của Nguyễn Hồng Quang? của nhóm tác giả Hoài Nam - Ái Chân - Đường Loan và 1 giải ba với loạt bài 3 kỳ Người Việt dùng thuốc Việt của tác giả Tường Lâm.

Ở nhóm tin, ảnh báo chí, Báo SGGP đoạt giải ba với  tin Nội dung khiêu dâm xuất hiện trên tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông của tác giả Đình Tuyển. Ngoài ra, ấn phẩm SGGP Đầu tư tài chính của Báo SGGP cũng đoạt giải nhì ở nhóm công trình tập thể với loạt bài Triển khai các giải pháp của chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Năm nay, Báo Tuổi Trẻ đoạt giải nhất nhóm tin, ảnh báo chí với phóng sự ảnh Bi hài chuyện khai ấn của tác giả Thuận Thắng và nhóm công trình tập thể với Phản ứng nhanh với bức xúc của bạn đọc. Giải nhất nhóm phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí được trao cho loạt bài 3 kỳ Trường Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc của nhóm tác giả Hồng Kỳ - Phạm Dương (Báo Người Lao Động) và giải nhất nhóm chính luận được trao cho tác phẩm Chạy đua nâng cấp đô thị của Trương Quang Chung (Thời Báo Kinh tế Sài Gòn).

H.T.K

Tin cùng chuyên mục