Mai một gốm Lư Cấm

Mai một gốm Lư Cấm

Làng nghề gốm Lư Cấm, thuộc phường Ngọc Hiệp (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, từng 3 lần được vua sắc phong, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ mai một, lụi tàn.

3 lần được sắc phong

Làng gốm Lư Cấm hình thành từ đầu thế kỷ XIX, nằm nép mình bên dòng sông Cái hiền hòa, chảy xuyên suốt và ôm trọn thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Do thuận lợi về giao thương nên làng gốm Lư Cấm nhanh chóng nổi tiếng khắp cả vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Sản phẩm gốm của làng Lư Cấm chủ yếu gồm: ống ghè xây tường, gạch thẻ, ngói âm dương, ngói móc, gạch lược hình cong để xây giếng, các lu, hủ, bình, vại, nồi, niêu, tô… rồi đến các vật dụng trang trí làm đẹp trong gia đình. Theo các bậc cao niên trong làng, do nghề gốm phát triển nên Lư Cấm sớm trở thành một làng nghề thực thụ, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân. Làng gốm không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong làng, mà còn thu hút một lượng lớn lao động từ các làng quê khác. “Thời làng nghề còn thịnh, cả làng có đến trăm lò gốm lớn nhỏ, người đến làm công rất đông. Dòng sông Cái lúc bấy giờ “chen chúc” những con đò ngược xuôi dòng sông, đi đến những vùng đất xa hơn lấy đất sét về làm gốm”, ông  Lê Sương, một cao niên làng gốm nhớ lại.

Tại đình làng Lư Cấm ngày nay còn bảng ghi công 18 chức sắc cùng 34 người dân đã có công khai sinh nên làng nghề. Đặc biệt hơn, đình làng còn lưu giữ 3 sắc phong của vua triều Nguyễn đối với ông tổ nghề gốm làng Lư Cấm. Đó là vào năm 1903, sau khi chứng thực sự phồn thịnh của làng gốm Lư Cấm, vua Thành Thái đã ban sắc phong “Đào Nghệ Chi Thần” cho làng nghề Lư Cấm. 6 năm sau, làng gốm này tiếp tục được vua Duy Tân ban sắc phong “Đào Nghệ Chi Thần” lần thứ 2 và năm 1924, vua Khải Định ban sắc phong “Đào Nghệ Tôn Thần”. Nói đến những sắc phong quý giá của làng, ông Trần Văn Chi, người quản lý đình làng Lư Cấm và cũng là một nghệ nhân làng gốm, cho biết: “Hồi đó, công nghệ làm gốm hầu như chỉ bằng thủ công, thế nên để làm ra một sản phẩm gốm hoàn thiện phải tốn rất nhiều công sức, tâm huyết. Nhưng theo thời gian, làng gốm Lư Cấm vẫn thăng hoa. Những bản phong sắc của 3 triều đại vua đã chứng minh sự phát triển của những sản phẩm gốm đặc sắc nơi đây và dân làng Lư Cấm xem những bản sắc phong đó như báu vật”.

Lư Cấm còn lại chút gì

Làng gốm Lư Cấm thời thăng hoa có đến cả trăm lò gốm, nhưng nay tìm về đây, chúng tôi mỏi mắt mới nhận thấy chỉ còn vài hộ bám trụ với nghề. Ghé nhà bà Đào Thị Hoa, một trong những hộ còn theo đuổi nghề gốm đến nay. Đang loay hoay với mớ đất sét mới lấy về để tạo hình sản phẩm, bà Hoa cho biết, bây giờ trong làng chỉ còn bà với một hộ khác còn làm gốm. Theo bà Hòa, do không sống được với nghề nên ai cũng bỏ, mai một dần. “Hiện tại tôi cũng chỉ làm sản phẩm duy nhất đó là lò đất, vì dù sao lò đất cũng có người mua. Vợ chồng tôi già rồi, không biết làm gì nên nhớ nghề, lại ngồi nhào nặn đất kiếm cái thú vui sống qua ngày chứ lớp trẻ bây giờ có ai làm gốm nữa đâu”, bà Hoa buồn bã nói.

Làng gốm Lư Cấm ngày càng ít nghệ nhân theo nghề

Theo thống kê, nếu như năm 2010 cả làng gốm Lư Cấm còn 10 hộ theo nghề này, đến nay chỉ còn lại 2 hộ làm nghề đúng nghĩa, những hộ còn lại chỉ “làm cho vui” nên những sản phẩm gốm cứ ít dần theo thời gian. Những lò gốm trong làng Lư Cấm bây giờ đìu hiu, có nhiều lò cũ bỏ hoang nằm trơ, có lò bị đập bỏ để lấy đất canh tác. Nói như ông Trần Văn Chi, người làng Lư Cấm ai cũng tâm huyết, nhớ đến nghề, nhưng thời cuộc theo thị trường, người sử dụng đồ gốm, đồ đất trong sinh hoạt ít dần, nên dù có yêu nghề họ cũng không cứu vãn nổi. “Một thợ giỏi tay nghề, mỗi ngày có thể làm ra 25 sản phẩm gốm, nhưng nay mỗi cái chỉ lời được 2.000 đồng nên không thể sống nổi. Đã vậy, sản phẩm làm ra cũng khó tiêu thụ nên dù một số nghệ nhân đã nghĩ đến chuyện mua dây chuyền sản xuất đại trà, nhưng cuối cùng cũng vụt tắt ý nghĩ”, ông Chi bày tỏ.

Để cứu lấy làng nghề gốm Lư Cấm, nhiều năm qua, địa phương đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có chủ trương duy trì nghề gốm kết hợp với tham quan du lịch làng nghề. Nhưng chủ trương này thực chất không mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân nên dân làng gốm không mặn mà hưởng ứng. Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Khánh Hòa, cho biết việc đưa du lịch về làng gốm chỉ là tự phát của một số đơn vị kinh doanh nên không hiệu quả. Còn việc nghiên cứu bảo tồn làng nghề Lư Cấm hiện chưa có một dự án cụ thể, chỉ dừng lại chỗ nghiên cứu. Vậy nên, làng gốm hôm nay vẫn “tắt lửa” theo thời gian và không biết đến lúc nào mới rực sáng trở lại.

VĂN NGỌC - ĐẮC THÀNH

Tin cùng chuyên mục