Kể Khan là một thể loại hát kể sử thi, một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Jarai ở Gia Lai. Trước đây, người kể Khan ở Gia Lai rất đông, nhưng nay đã “rơi rụng” nhiều, nếu không sớm có biện pháp bảo tồn thì kể Khan sẽ đi vào dĩ vãng…
Người biết kể Khan ngày càng ít
Đến thôn Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai để tìm các nghệ nhân kể Khan, ông Puih Bing, Trưởng thôn Jút 1 xua tay nói: “Anh đến đây 10 năm trước thì còn có, chứ bây giờ còn ai biết kể nữa đâu. Lâu rồi chúng tôi cũng không còn nghe được tiếng kể Khan. Tiếc lắm”. Theo ông Bing, hơn 10 năm trước, chỉ còn 3 người biết kể, 3 người này lần lượt chết, tiếng kể Khan cũng vắng bóng từ đó. “Những bài kể Khan không đơn thuần có tính giải trí mà còn có tính giáo dục, phản ánh đời sống văn hóa của người dân. Hồi còn nghệ nhân kể Khan, cứ mùa lễ hội, họ kể cho dân buôn bản nghe, ai cũng say mê, thích thú. Kể Khan trở thành món ăn tinh thần quý báu. Bây giờ người dân không nghe được tiếng Khan, thấy thiếu thiếu. Tôi cũng muốn có người đến làng dạy cho lớp trẻ kể Khan để nét văn hóa này còn được tiếp nối…”, ông Bing giới thiệu chúng tôi đến thôn Brel, xã Ia Dêr, nơi có người kể Khan nổi tiếng còn sống là nghệ nhân Ksor Sép.
Ông Ksor (làng Brel) kể Khan cho người thân nghe
Ông Ksor Sép (60 tuổi) chào đón chúng tôi bằng một đoạn Khan nói về tình yêu đôi lứa dài. Lúc kể, gương mặt ông hiện lên sự hào hứng, phấn khởi: “Lâu rồi mới có cơ hội kể Khan nên tôi vui lắm”. Ông Sép từ nhỏ đã nghe bố kể Khan, ông say mê từ đó. Cứ có dịp dân làng tụ tập kể Khan, ông lại lân la đến học. Năm 15 tuổi, ông đã biết kể Khan. Gia tài của ông đến nay là hàng chục bài. “Lúc xưa, tôi kể Khan mọi lúc. Ai cũng thích nghe. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, tôi ít có cơ hội kể cho bà con nghe vì lớp trẻ không mặn mà. Cũng chẳng ai trong làng nhờ tôi truyền dạy…”, ông Sép nói.
Theo ông Siu Hrin, Trưởng thôn Brel, số lượng người kể Khan ở thôn ngày càng sụt giảm. Nếu như trước kia, già hay trẻ đều biết kể thì hiện nay thôn chỉ còn 3 người và đều đã già. Trong khi đó, theo thống kê của Sở VH-TT-DL Gia Lai, số lượng người kể Khan trên địa bàn chỉ còn khoảng 50 người, đều là những người “lớn tuổi và yếu dần”.
Cần chính sách bảo tồn
Ông Siu Hrin, Trưởng buôn Brel cho rằng, điều lo ngại lớn của kể Khan hiện nay là lớp trẻ trong thôn không mặn mà, không thích nghe kể Khan, càng không muốn học. “Kể Khan có ý nghĩa văn hóa rất lớn. Đây là di sản do cha ông truyền lại. Ba người biết kể Khan trong thôn đều thuộc Khan chứ không ghi chép. Tôi lo sợ khi 3 người này chết đi, kể Khan sẽ thất truyền, sẽ mất bản sắc dân tộc. Trong cấp độ thôn do không có điều kiện nên không thể bảo tồn. Ngay cả những nghệ nhân kể Khan cũng không có chế độ gì. Tôi kiến nghị nhà nước cần quan tâm bảo tồn kể Khan, hỗ trợ kinh phí cho nghệ nhân sưu tầm, chép lại rồi truyền dạy lại cho lớp trẻ. Ngoài ra, cũng cần có chính sách khuyến khích lôi kéo lớp trẻ tham gia học”, ông Siu Hrin nói.
Theo ông Lê Xuân Thái, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Ia Grai, việc duy trì kể Khan có nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến nguy cơ mai một. Thứ nhất, người kể ngày càng ít và người kể cũng ít có cơ hội kể, dẫn đến việc nhiều người quên lời kể. Trong khi đó, do kể Khan chủ yếu được truyền miệng nên tình tiết câu chuyện có sự hư cấu, tam sao thất bản. Chẳng hạn cùng một câu chuyện nhưng lúc này kể khác, đến thế hệ sau kể khác một chút chứ không giữ được cái gốc ban đầu. Một yếu tố nữa là kể Khan không thể duy trì rộng rãi vì thiếu không gian và nơi kể. Công tác tổ chức các hoạt động kể Khan chưa được thường xuyên.
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL thừa nhận, việc kể Khan có nguy cơ mai một là điều tất yếu… Không gian kể Khan như bếp lửa, nhà rông, cồng chiêng cũng không còn nữa. Trong khi đó, thực tế xã hội hiện nay nhu cầu không còn nữa. “Để bảo tồn, nhà nước cần có chính sách tổng thể là sưu tầm, ghi chép, ghi âm và in thành sách các bài kể để đưa vào các trường nội trú. Riêng tỉnh Gia Lai cũng cần có chính sách cụ thể để bảo tồn kể Khan. Ngành văn hóa khuyến khích chính quyền địa phương cũng như cộng đồng nếu có điều kiện thì tổ chức các cuộc thi cho nghệ nhân biểu diễn nhằm giữ lại nét văn hóa”, ông Phan Xuân Vũ nói.
HỮU PHÚC