Ngày 21-2, Công ty Dầu khí của Anh Desire Petroleum bắt đầu khai thác dầu khí tại phía Bắc khu vực quần đảo Malvinas (người Anh gọi là Falklands) đang tranh chấp giữa Anh và Argentina. Nhiều công ty dầu khí khác của Anh cho biết cũng sẽ khai thác dầu tại đây. Sự kiện này làm gia tăng căng thẳng trở lại mối quan hệ giữa hai nước vốn lạnh nhạt sau cuộc chiến năm 1982.
Lịch sử ra đời và tranh chấp
Quần đảo Malvinas nằm ở Nam Đại Tây Dương cách bờ biển Nam Mỹ 480 km và cách Nam cực 1.100km. Quần đảo gồm 2 đảo chính là Đông Malvinas và Tây Malvinas cùng với 776 đảo nhỏ khác. Hiện quần đảo đang đặt dưới sự kiểm soát của Cơ quan quản lý lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh đặt tại Đông Falkland.
Quần đảo này vốn không có người ở và được các nhà thám hiểm châu Âu phát hiện từ đầu thế kỷ 16 nhưng cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi về tên người khám phá ra quần đảo này.
Những người đầu tiên định cư trên quần đảo này tập trung tại khu vực được gọi là Cảng Louis, thuộc Đông Malvinas do nhà hàng hải Pháp Louis Antoine de Bougainville thành lập. Tuy nhiên, đến tháng 1-1756, đại tá Anh John Byron không biết có sự hiện diện của người Pháp nên đã cho rằng mình là người khám phá đảo này. Ông đã lưu trú tại khu vực phía Tây, đặt tên là Sauders với cảng mang tên Port Egmont.
Một khu định cư của người Anh được xây dựng tại Port Egmont vào năm 1766. Cùng năm này, Tây Ban Nha tiếp quản thuộc địa của Pháp sau đó đặt quần đảo Malvinas dưới sự quản lý của trợ lý toàn quyền Tây Ban Nha tại Argentina. Từ năm 1833, lực lượng Anh một lần nữa đặt Malvinas dưới sự quản lý của hoàng gia và từ đó quần đảo này trở thành căn cứ quan trọng của Anh trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ I và thứ II.
Chủ quyền quần đảo Malvinas một lần nữa trở thành vấn đề nóng vào giữa thế kỷ 20. Năm 1945, khi ký vào Hiến chương LHQ, Argentina khẳng định chủ quyền của quần đảo này. Tuy nhiên, Anh đòi hỏi phải tuân thủ Nghị quyết số 1514 của LHQ về phi thuộc địa hóa các lãnh thổ vẫn còn bị nước ngoài chiếm, theo đó, vấn đề rút quân Anh phải lấy kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý tại Malvinas. Các cuộc đàm phán về chủ quyền Malvinas giữa Anh và Argentina diễn ra những năm 1960 nhưng không mang lại kết quả. Điểm mấu chốt là dân cư Malvinas vốn là con cháu của những người Anh nên họ vẫn muốn Malvinas thuộc Anh.
Vào ngày 2-4-1982, quân đội của chính quyền quân sự Argentina đã đổ bộ lên quần đảo này và nhiều đảo khác lân cận với mục đích giành quyền kiểm soát quần đảo. Sau đó Anh đã gửi lực lượng viễn chinh tới đây nhằm chiếm lại Malvinas dẫn đến cuộc chiến tranh ngắn nhưng khốc liệt. Đến ngày 14-6-1982, quân Argentina đã phải đầu hàng. Sau cuộc chiến, Anh tăng cường hiện diện trên quần đảo này và các cư dân sinh sống tại quần đảo này được nhập tịch Anh quốc từ ngày 1-1-1983 và Anh đã bổ nhiệm chính quyền tại đây, đứng đầu là một viên toàn quyền. Mặc dù Anh và Argentina nối lại quan hệ vào năm 1992 nhưng từ đó tới nay Anh liên tục từ chối những lời kêu gọi của Argentina về việc đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo này.
Căng thẳng mới
Ngày 21-2, Công ty Dầu khí của Anh Desire Petroleum bắt đầu khai thác dầu khí tại phía Bắc khu vực quần đảo Malvinas đang tranh chấp giữa Anh và Argentina. Sự kiện này làm gia tăng căng thẳng trở lại mối quan hệ giữa hai nước vốn lạnh nhạt sau cuộc chiến năm 1982. Căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đảng cầm quyền tại 2 nước này khi mà cuộc tổng tuyển cử ở Anh sẽ diễn ra vào cuối năm nay và tại Argentina vào năm tới. Chính phủ Argentina ngoài việc tái khẳng định chủ quyền của họ trên quần đảo Malvinas cũng đã ra sắc lệnh rằng tất cả các tàu ra vào quần đảo này nếu sử dụng các cảng của Argentina hay đi qua lãnh hải của Argentina đều phải xin phép Argentina.
Mặt khác, chính phủ của nữ Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner cũng đang siết chặt vòng vây ngoại giao tấn công Anh. Bà đã thành công bước đầu khi tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh các nước Nam Mỹ và Caribbean gần đây đã ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền của Argentina trong đó có quần đảo Malvinas.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, một trong những người ủng hộ Argentina mạnh mẽ nhất cho rằng do trữ lượng dầu khí của Anh tại khu vực Biển Bắc sắp cạn nên London đã “liều lĩnh” khai thác dầu tại Malvinas. Chính phủ Argentina và cả dân chúng nước này đã bác bỏ khả năng chọn giải pháp chiến tranh để giải quyết vấn đề. Ngoại trưởng Argentina Jorge Taiana cũng đã gây sức ép đòi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon can thiệp vào vấn đề tranh chấp quần đảo này khi công ty dầu khí của Anh bắt đầu khai thác. Chính phủ Argentina kêu gọi ông Ban Ki-moon bắt buộc London tuân thủ các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ cũng như ủy ban chống thuộc địa hóa của LHQ, đồng thời hối thúc London ngồi vào bàn đàm phán với Argentina xung quanh việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Malvinas.
Tổng thống Argentina Kirchner cũng đã yêu cầu Mỹ đóng vai trò trung gian trong cuộc tranh chấp này tại cuộc gặp của bà với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhưng phía Mỹ đã từ chối khi cho rằng Argentina và Anh nên trực tiếp ngồi lại với nhau tìm giải pháp. Argentina có một lợi thế là năm 1982, LHQ đã thông qua nghị quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Argentina với quần đảo Malvinas. Đây là cơ sở để Argentina xác nhận chủ quyền với quần đảo này. Phía Argentina yêu cầu Anh không làm phức tạp thêm vấn đề. Văn phòng của TTK LHQ Ban Ki-moon đã ra thông cáo hoan nghênh thái độ kiềm chế của Argentina cũng như cam kết của nước này trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp với Anh về quần đảo Malvinas.
Ở phía ngược lại, Anh tái khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo Malvinas, và các bước đi của họ hoàn toàn “phù hợp với tôn chỉ của LHQ”. Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant nói: “Chính quyền quần đảo Fanklands có đủ tư cách để phát triển ngành công nghiệp khí đốt trong lãnh hải của mình và chúng tôi ủng hộ quyền kinh doanh hợp pháp tại lãnh thổ của Fanklands”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh đã chuyển tới Đại sứ quán Argentina tại London công hàm phản đối một đạo luật vừa được quốc hội Argentina thông qua tháng 12-2009, trong đó khẳng định chủ quyền của họ tại quần đảo Malvinas và một số vùng lãnh thổ tại Nam cực. Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của Anh Chris Bryant khẳng định “Anh phản đối mạnh mẽ đạo luật trên”.
Malvinas thật sự là nơi có trữ lượng dầu khí khá lớn, do đó trở thành miếng mồi béo bở cho bất kỳ công ty dầu khí nào và cũng là nguồn căn cho các tranh chấp quyết liệt giữa Anh và Argentina. Theo các quan chức địa phương tại quần đảo Malvinas, ước tính nơi đây có trữ lượng 60 tỷ thùng dầu. Thế nhưng nhiều chuyên gia cũng tỏ ra thận trọng trước con số chính xác về trữ lượng tại đây. Riêng Công ty Dầu khí Desire Petroleum đã được cấp phép khai thác tại 6 khu vực với trữ lượng ước tính 3,5 tỷ thùng dầu và trị giá khoảng 35 tỷ USD. |
KHÁNH MINH tổng hợp