Mắm ruốc Tây Yên

Mắm ruốc là nghề truyền thống lâu đời của người dân ấp Xẻo Dinh, xã Tây Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Dù là món ăn dân dã nhưng nghề này đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định.

Vùng đất bãi bồi huyện An Biên có chiều dài hơn 20km. Nơi đây là vùng sinh thái của nhiều loài tôm cá, nghêu sò, hến sinh trưởng. Một lượng quần thể sinh sản và phát triển nhiều nhất phải kể đến con ruốc, loại giống hình hài như con tôm nhỏ, được khai thác chủ yếu để làm mắm. Cũng từ đây nghề đánh bắt và làm mắm ruốc đã trở thành nguồn sinh sống chủ yếu của nhiều hộ dân ven biển. Theo anh Phan Văn A, ngụ ấp Xẻo Dinh, xã Tây Yên cho biết, hơn 20 năm nay gia đình anh sống bằng nghề làm mắm ruốc. Tuy không khá giả, nhưng đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định, vì con ruốc sống thiên nhiên nên người dân chỉ bỏ công lao động chứ ít đầu tư.

Chế biến mắm ruốc ở Tây Yên

Là hộ nghèo, không đất sản xuất, nhưng qua nhiều năm gắn bó với nghề làm mắm ruốc, gia đình bà Lê Thị Ngọc Dung, ngụ ấp Xẻo Dinh, xã Tây Yên đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Ngoài tự khai thác, gia đình bà còn tự mua thêm con ruốc nguyên liệu để làm mắm. Mỗi năm gia đình bà Dung làm ra hơn 3 tấn ruốc thành phẩm, gồm mắm ruốc khô và mắm ruốc chua. Không chỉ tiêu thụ tại địa phương, gần đây sản phẩm mắm ruốc qua xào nấu thêm gia vị và đóng hộp của gia đình bà Dung được nhiều tiểu thương ở Kiên Giang đặt mua số lượng lớn. Theo bà Dung, nghề làm mắm ruốc tuy đơn giản nhưng cần phải có kinh nghiệm mới tạo ra sản phẩm thơm ngon và hợp vệ sinh. Trước tiên phải rửa con ruốc sạch sẽ, ướp muối, phơi khô. Kế đến đem bỏ vào bọc, cột chặt không để mùi bốc ra ngoài…

Mắm ruốc dễ ăn, tiện lợi và nhiều đạm, có thể dùng làm gia vị nấu canh hoặc chấm với rau, dưa, cà hay kho với thịt. Nhắc đến mắm ruốc, người ta còn nhớ đến món ăn vặt nhiều người khoái khẩu là xoài chấm mắm ruốc. Vị chua chua, ngọt ngọt của xoài hòa quyện với vị mặn nồng và cay thơm của mắm ruốc, vừa ăn vừa hít hà, thật khó tả.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Tây Yên, hiện nay nguồn nguyên liệu ruốc dồi dào, cùng với kinh nghiệm trong khai thác và chế biến lâu năm của người dân, vì vậy, để tiếp tục giữ vững làng nghề, xã sẽ kiến nghị lên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể. Qua đó, ngoài việc giữ vững được thương hiệu mắm ruốc, còn tạo công ăn việc làm cho người dân vùng ven biển, hướng đến xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó, mắm ruốc ở Tây Yên có cơ hội để vươn ra thị trường xa hơn...

VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục