“Tôi đang đi tỉnh tặng quà cho bà con nghèo, phải vài hôm nữa mới về thành phố. Nhiều người còn thiếu thốn quá, đi hoài mà không hết, sẵn đang có thời gian, tôi ráng đi để chia sẻ với họ chút đỉnh, họ vui, mình cũng vui”, ông Tống Văn Lường (66 tuổi), Phó Trưởng ban kinh tế Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM, thiệt thà trả lời chúng tôi qua điện thoại.
Sau cuộc điện thoại đầu tiên hẹn gặp không thành, chúng tôi liên hệ với ông Lường vài lần nữa nhưng lúc nào ở đầu dây bên kia cũng bận rộn, khi thì ông đang thăm hỏi và tặng quà đồng đội, khi thì đang tặng gạo cho người nghèo, lúc lại lặn lội vào tận vùng sâu vùng xa để xây cầu nông thôn cho bà con thuận tiện đi lại. Chẳng mấy khi thấy ông thong thả. Khi chuyến đi 10 ngày trao quà cho bà con các tỉnh Tây Nam bộ kết thúc, chúng tôi mới gặp được ông.
Vừa gặp mặt, ông Lường liền phân trần: “Thất hẹn với cô hoài, cho tôi xin lỗi nghen. Tối muộn hôm qua tui mới trao gạo và nhu yếu phẩm cho bà con ở tỉnh Long An, xong là chạy về thành phố liền. Bà con nghèo quá, thấy thương lắm”, giọng của ông chùng xuống khi nói về những hoàn cảnh khó khăn.
Cũng vì luôn quan tâm đến những mảnh đời còn khó khăn, nhất là luôn trăn trở và giúp đỡ đồng đội, nên năm 2016, ông Lường được hội viên Hội Cựu TNXP TPHCM bầu làm Phó Trưởng ban kinh tế. Vừa nhận nhiệm vụ, ông Lường lập tức bắt tay vào tìm hiểu đời sống của đồng đội rồi đau đáu nghĩ cách làm sao để họ thoát nghèo, làm sao để Hội Cựu TNXP các quận huyện có nguồn quỹ chăm lo cho hội viên.
“Ngày trước chúng tôi sát cánh cùng nhau, đói khổ có nhau, nhiều khi củ khoai mì chia năm chia bảy. Giờ kinh tế cũng tạm ổn nhưng đồng đội khi xưa còn nhiều người khó khăn, chúng tôi không làm ngơ được. Bên cạnh nhiệm vụ của Hội Cựu TNXP TPHCM giao, tôi cũng tự đặt ra cho mình trách nhiệm đồng hành cùng đồng đội góp phần giúp họ thoát nghèo”, ông Lường chia sẻ. Chính tinh thần ấy, ai có ý chí làm ăn, ông sẵn sàng cấp vốn không tính lời, rồi dìu dắt họ kinh doanh, buôn bán.
Trước đây, nguồn quỹ hoạt động của Hội Cựu TNXP TPHCM chủ yếu là đi vận động mạnh thường quân nên không bền vững. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ phụ trách về kinh tế tại hội, ông Lường đã tính đến chuyện thay đổi. Ông Lường tâm sự: “Mình còn sức khoẻ, có nhân sự, không thể cứ ngồi một chỗ đợi để được cho “con cá” mà phải có “cần câu” để Hội Cựu TNXP các quận huyện chủ động nguồn quỹ. Có như vậy thì mọi người mới hào hứng hoạt động và tạo sự gắn kết trong hội viên”.
Là chủ doanh nghiệp nông sản từ nhiều năm nay, ông mạnh dạn đề xuất kế hoạch mở đại lý gạo trực thuộc Hội Cựu TNXP quận huyện, vừa bán giá rẻ cho các hội viên và người dân khó khăn trong các khu dân cư, vừa có tiền lời để gây quỹ. Bản thân ông nhận bao thầu nguồn gạo ngon với giá gốc, hỗ trợ toàn bộ vốn và miễn phí vận chuyển. Kế hoạch được Hội Cựu TNXP TPHCM và hội các quận huyện ủng hộ, một số hội viên có điều kiện nhận hỗ trợ mặt bằng. Năm 2018, đại lý gạo “Nghĩa tình TNXP” đầu tiên ra đời ở huyện Nhà Bè và đến nay phát triển thêm 8 cửa hàng ở 8 quận huyện khác trên địa bàn thành phố.
Hơn một năm qua, đại lý gạo “Nghĩa tình TNXP” luôn là địa chỉ của các cựu TNXP và người dân nghèo tìm đến. Gạo ở đây không chỉ ngon mà giá còn rẻ hơn thị trường 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với phương châm tập cho đồng đội kinh doanh, giải quyết việc làm cho hội viên và nhân rộng mô hình đại lý gạo “Nghĩa tình TNXP”, chừng 1 - 2 tuần, ông Lường lại đi một vòng các cửa hàng để hướng dẫn họ cách bán gạo, cách bảo quản để gạo luôn ngon. Sau thành công ở 9 đại lý gạo “Nghĩa tình TNXP”, trong năm nay, hội cựu TNXP các quận huyện cũng sẽ mở thêm nhiều đại lý gạo để cựu TNXP trên toàn TPHCM đều được hỗ trợ.
Không chỉ đầu tư cho đại lý gạo “Nghĩa tình TNXP”, tặng quà người nghèo, ông Lường còn khá nổi tiếng trong hoạt động xây cầu nông thôn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông Lường kể, cách đây hơn 10 năm, trong một dịp đi mua bắp kết hợp tặng quà cho người dân ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), ông rớt nước mắt khi thấy các cháu học sinh phải bò qua cây cầu khỉ được kết lại từ 3 cây tre để tới trường. Là dân miệt vườn, không lạ lẫm với cầu khỉ, nhưng ông cũng “rùng mình” khi đi trên cây cầu chênh vênh, rung lắc ấy. Ngay sau dịp đó, ông Lường cùng bạn bè trở lại để xây mới cây cầu tặng bà con vùng miệt vườn. Đến nay, 10 cây cầu nông thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp hàng trăm hộ dân đi lại thuận lợi hơn.
Kể về những hoạt động của mình, ông Lường cười nói : “Con cái tôi có sự nghiệp riêng hết rồi, công việc của tôi giờ cũng chỉ làm lai rai để có kinh phí giúp người này người kia và có thời gian quan tâm, chăm lo cho đồng đội. Đi miết, làm miết nhưng coi vậy mà vui cô ạ, đi tới đâu tiếng cười tới đó, chẳng bao giờ đau bệnh”. Ở tuổi xế chiều, ông Lường vẫn đi khắp nơi, hết lo chuyện trong Hội Cựu TNXP TPHCM lại lo đến người dân nghèo mà ông từng gặp hoặc biết đến. Bên ông luôn là tiếng cười từ đáy lòng mình, tiếng cười hạnh phúc của người dân nhận được sự quan tâm từ tấm lòng thiện nguyện mà ông mang đến… |