Cuối tuần qua, hai con tàu “ma” được phát hiện ngoài khơi Italia với hơn 1.000 người nhập cư bị bỏ rơi. Nếu không được cứu hộ kịp thời, tính mạng của những người nhập cư chắc hẳn đã bị đe dọa. Đây là hai vụ việc mới nhất về những gì mà các chuyên gia cảnh báo về một làn sóng nhập cư ồ ạt lớn nhất thế giới kể từ Thế chiến II.
Chiến sự, xung đột ở nhiều quốc gia trên thế giới là nguyên nhân đẩy hơn 33,3 triệu người phải di tản. Riêng cuộc chiến tại Syria, Libya, Iraq và bất ổn leo thang ở hầu hết các quốc gia Ảrập đã “góp phần” đẩy 16,7 triệu người phải ly hương. Những người này bất chấp hiểm nguy có thể đe dọa đến tính mạng vượt Địa Trung Hải đến châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, không còn phải ngày ngày nơm nớp lo cảnh bom rơi, đạn lạc.
Leonard Doyle, người phát ngôn Tổ chức Di cư quốc tế, cho biết, kể từ Thế chiến II đến nay, chưa bao giờ ghi nhận được số người di cư lớn đến như vậy. Những chính trị gia ở châu Âu tin rằng họ có thể làm nản lòng người nhập cư bằng cách giảm các hoạt động cứu hộ.
Tuy nhiên, mọi tính toán của họ đã không đem lại hiệu quả khi quy mô xung đột, tình trạng bất ổn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông, ngày một gia tăng. Mạng sống của những người dân tại những quốc gia trên hàng ngày bị đe dọa và không còn cách nào khác, họ buộc phải liều mình vượt biển với hy vọng đổi đời.
Tuy nhiên, con đường nhập cư bất hợp pháp là con đường đầy máu và nước mắt. Theo một thống kê, năm 2013, hơn 45.000 người nhập cư đã đánh cược mạng sống của mình băng qua Địa Trung Hải để tìm đến Italia và Malta, 700 người đã thiệt mạng. Con số này năm 2014 cao gấp 4 lần, lên tới 3.224 người. Qassim, một người Syria tỵ nạn tại Ai Cập, cho biết, anh từng biết rất nhiều người bị vùi xác dưới biển sâu. “Họ phải cố gắng vượt biển bởi không có cuộc sống nào chờ đợi họ ở Syria”, Qassim nói.
Hiện có hơn 300.000 người Syria chạy nạn, sinh sống tại Ai Cập. Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi trong chính quyền Cairo vào mùa hè 2013, làn sóng bài ngoại đang nhằm vào người tỵ nạn Syria. Các vụ bắt bớ liên tiếp diễn ra với lý do người nhập cư không thực hiện đầy đủ các thủ tục cư trú. Tại Jordan và Lebanon, nơi có 1 triệu người tỵ nạn Syria sinh sống, tình hình còn tồi tệ hơn.
Trước làn sóng di cư ồ ạt hiện nay, một số người cho rằng đây đơn thuần chỉ là di dân kinh tế. Tuy nhiên, ông Doyle đã đặt câu hỏi: nếu là di dân kinh tế, sẽ giải thích thế nào mỗi khi có đợt bùng phát bạo lực là thế giới lại chứng kiến một làn sóng di cư mới của người dân ở khu vực xung đột?
Ông Doyle dẫn chứng trường hợp vụ đắm tàu chở người nhập cư trái phép ở biển Địa Trung Hải hồi tháng 9-2014 làm khoảng 500 người thiệt mạng. Vụ việc xảy ra chỉ một vài tuần sau khi xung đột giữa Israel và tổ chức Hamas kiểm soát ở Dải Gaza.
Ngoài ra, còn có thể kể đến trường hợp xung đột tại Eritrea vào năm ngoái cũng dẫn đến tình trạng bùng phát di cư ở nước này. Theo ông Doyle, chẳng mấy ai muốn rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình nhưng chiến tranh đã buộc những người di cư phải dùng tính mạng để đánh đổi lấy cơ hội để có một cuộc sống tốt hơn.
MINH CHÂU