Manh nha một “Maidan mới” ở Ukraine

Trưng cầu dân ý về chính phủ
Manh nha một “Maidan mới” ở Ukraine

Russia Today đưa tin, 6.000 người ủng hộ phong trào Right Sector theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tập trung về Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev biểu tình, kêu gọi chính quyền đương nhiệm từ chức. Thủ lĩnh Right Sector Dmitry Yarosh tuyên bố động thái này đánh dấu “chương mới trong cuộc cách mạng tại Ukraine”.

Người ủng hộ phong trào Right Sector biểu tình tại Quảng trường Maidan

Trưng cầu dân ý về chính phủ

Phần lớn những người biểu tình tại Quảng trường Maidan mặc trang phục rằn ri, giơ cao các lá cờ mang hai màu đỏ đen của Lực lượng Vũ trang nổi dậy Ukraine (UPA), hô các khẩu hiệu phản đối chính quyền đương nhiệm Kiev. Right Sector đòi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý đối với chính quyền hiện nay của Ukraine, đồng thời kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov từ chức. Thủ lĩnh Dmitry Yarosh tuyên bố nếu Right Sector không được trao cho quyền tổ chức trưng cầu dân ý, phong trào này sẽ tự lập ra một ủy ban bầu cử và tiến hành trưng cầu trên toàn lãnh thổ Ukraine. “Người dân muốn có tiếng nói của mình đối với vận mệnh của đất nước. Chính phủ nên hiểu rằng nếu người dân không muốn thì họ nên ra đi”, thủ lĩnh của Right Sector nói.

Right Sector chính là lực lượng đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo động trên Quảng trường Maidan vào đầu năm 2014, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống khi đó là ông Viktor Yanukovych. Cuộc đảo chính này đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay ở Ukraine, khiến cho quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Cuộc cách mạng mới

Trước những diễn biến trên, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov cảnh báo về một cuộc cách mạng mới tại Ukraine đang diễn ra và Right Sector đã sẵn sàng làm nên sự thay đổi tại Ukraine.

Trong khi đó, nhà báo người Anh Neil Clark cho hay Ukraine đang thực sự là một quốc gia hỗn loạn; tình hình kinh tế tồi tệ hơn rất nhiều so với 2 năm trước, thời điểm Ukraine còn đang dưới quyền điều hành của Tổng thống Yanukovych. “Hoàn toàn dễ hiểu tại sao người dân lại kéo xuống đường”, Neil Clark nhận định. Nhận xét của nhà báo người Anh trùng hợp với thông tin của phóng viên Russia Today Murad Gazdiev, theo đó những người lao động có mức thu nhập trung bình cũng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Kiev đương nhiệm chứ không chỉ riêng tầng lớp người lao động có thu nhập thấp, nghèo khổ. 

Những diễn biến mới nhất tại Maidan xảy ra chỉ 3 ngày sau cuộc biểu tình cũng tại thủ đô Kiev với sự tham gia của khoảng 2.000 người phản đối giá nhà và giá dịch vụ công cộng tăng cao. Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ với nội dung như “Cải cách ở đâu” hay “Chúng tôi đang chết đói đây”. Cùng thời điểm đó, một cuộc tuần hành cũng diễn ra ở thành phố Dnepropetrovsk, miền Trung Ukraine. Người biểu tình ở đây đã phong tỏa một trong những con đường dẫn vào thành phố và yêu cầu Tổng thống Petro Poroshenko từ chức.

Nhiều chuyên gia nhận định cùng với việc một số lượng không nhỏ người dân Ukraine không hài lòng với chất lượng cuộc sống hiện tại, những diễn biến mới đến từ Right Sector sẽ càng làm Ukraine bất ổn.

Nhóm tiếp xúc về Ukraine trong cuộc họp ở Minsk (Belarus) đã nhất trí với thỏa thuận rút xe tăng và một số loại vũ khí cỡ dưới 100mm khỏi khu vực giới tuyến theo từng giai đoạn và theo một tiến độ thời gian xác định. Tuy nhiên, thỏa thuận này còn cần phải được ký kết chính thức trước khi có hiệu lực.

Chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic, hy vọng thỏa thuận mới sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Ông Dacic khẳng định cuộc xung đột chỉ có thể giải quyết thông qua giải pháp chính trị. Đồng thời tuyên bố OSCE ủng hộ hoạt động của Nhóm tiếp xúc và các tiểu ban, đồng thời các bên phải tuân thủ thỏa thuận Minsk để giảm căng thẳng.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục